Đề Hồ Tự: Nét Đẹp Phù Du mlefood, June 28, 2024September 13, 2024 Table of Contents Toggle Sanbo-in và ReihokanChùa Hạ Đề Hồ Tự (Shimo-daigo) Nét đẹp phù du ở Đề Hồ Tự giữa tiếng lá xào xạc và phiến đá xanh rêu… Có tuổi đời hơn một ngàn năm, Đề Hồ Tự (Daigo-ji) thuộc hàng chùa cao niên tại Kyoto. Chùa lập năm 874, nằm trên núi Daigo ở đông nam Kyoto. Chùa theo phái Mật Tông, thờ cả Phật và các Thần trong Thần đạo của Nhật. Ban đầu chùa chỉ có Chùa Thượng (Kami-daigo) trên đỉnh núi và Chùa Hạ (Shimo-daigo) gần chân núi. Cuối thế kỷ 16, Nhiếp Chính Vương Toyotomi Hideyoshi cải tạo chùa phụ Sanbo-in làm nơi ngắm hoa và Sảnh Reihokan để cất giữ các báu vật văn hóa Nhật thành khu thứ ba của Đề Hồ Tự. Chùa Thượng thường đóng cửa nên Đề Hồ Tự thu hút du khách nhờ Sanbo-in và Chùa Hạ. Sanbo-in và Reihokan Không chỉ mưu lược và đầy tham vọng, Toyotomi Hideyoshi còn yêu thích trà đạo và nghệ thuật. Vườn trong Sanbo-in kết hợp phong vị thiền của trà đạo và nghệ thuật trang trí vườn Nhật. Hơn 800 tảng đá được đưa về đây sắp rải rác quanh hồ nước tự nhiên trước mặt Sanbo-in, trong đó có ba tảng đặc biệt để riêng trên sân. Bề mặt ba tảng này khá kỳ lạ, tương truyền để tả sông Kamo (sông chính ở Kyoto). Một tảng đầy đường vân xoáy tròn như xoáy nước ở vực. Một tảng bóng láng và nhẵn nhụi. Tảng cuối trông như những lớp sóng dồn dập phủ lên nhau khi va vào bờ đá. Tên của chúng lần lượt là “nước xoáy, nước đọng, nước vỡ”. Nghe như thăng trầm trong cuộc đời một người, nào chỉ tả sông Kamo? Vườn Sanbo-in I Virtual Tour Inc., “Daigo-ji Temple”, YouTube Hồ có hai đảo nhỏ – một hòn giống con rùa, một đảo tựa hình con hạc sắp bay – ắt là để chúc thọ người ngắm cảnh. Vài cây cầu đá rêu phong nối đảo với bờ. Tiếng thác nước chảy róc rách đâu đây. Cây lá xanh tươi, một vùng tĩnh lặng. Có thể ngồi thiền trên hành lang gỗ thoáng đãng để tịnh tâm, hay ôm tách trà nóng trong tay, thả tầm mắt ra ngoài để suy tư. Tiếc rằng tôi không phải một lãnh chúa quyền lực hay tu sĩ Đề Hồ Tự để thong thả ngồi đó nên… đành tham quan tiếp vậy. Nhà ngắm hoa không kém phần lý thú, đặc biệt là cửa. Những cánh cửa giấy trượt về một bên mở ra không gian thoáng đãng, khi đóng lại thành bức tranh phong cảnh sống động. Từ lễ hội Aoi-matsuri rực rỡ ở Kyoto đến hoa chim mùa xuân rồi cây cỏ mùa thu. Các bức tranh này đều nằm trong danh sách “quốc bảo” của Nhật. Ra khỏi nhà, tôi chú ý tới cánh cổng lớn màu đen mang bốn bông hoa thếp vàng rực rỡ. A cổng Sứ giả Hoàng gia (Karamon) đây rồi! Hoa cúc tượng trưng cho Hoàng gia Nhật. Hoa và lá cây hông là gia huy tộc Toyotomi khi Hideyoshi làm tộc trưởng, sau này thành biểu tượng cho chính phủ Nhật. Bạn thử đoán xem cánh cổng cao quý như vậy sẽ mở ra khi nào? Tất nhiên là khi có thành viên Hoàng gia hay đại diện cao cấp của chính phủ tới thăm chùa rồi. Cổng Sứ giả Hoàng gia Karamon @ daigoji.or.jp Nó cũng mở lúc Đề Hồ Tự tổ chức Hội Hoa Đào hàng năm vào ngày Chủ nhật thứ hai của tháng 4. Năm 1598, sau khi trồng 700 cây anh đào tại Đề Hồ Tự, Nhiếp Chính Vương Hideyoshi tổ chức tiệc ngắm hoa hoành tráng với 1300 khách. Gia đình tướng lĩnh, quý tộc và thương nhân giàu có khắp nước Nhật đều tham gia. Ngày nay người Kyoto sẽ hóa trang thành quý tộc thời Hideyoshi đi vào cổng Karamon dự Hội Hoa Đào. Đoàn diễu hành trong trang phục cổ, từ người lớn tuổi đến các em bé, giữa trời nắng nóng vẫn cực kỳ trật tự và trang nghiêm. Bảo tàng Reihokan đối diện Sanbo-in lưu trữ hơn một trăm ngàn hiện vật cổ. Mỗi kỳ trưng bày khách sẽ được chiêm ngưỡng các cổ vật khác nhau. Tôi ấn tượng nhất với các tượng khắc gỗ sinh động và sắc sảo tới từng nếp áo. Tượng đồng đen và sắt thì mạnh mẽ mà tinh tế. Bảo tàng Reihokan: Phật Dược Sư và các phụ tá @ daigoji.or.jp Có một thứ bên ngoài Reihokan đang kêu gọi tôi: kem trong quán cà phê kiểu Pháp. Con “ốc” kem trà xanh mang trên mình chiếc “vỏ” bánh macaron trắng muốt. Bánh sô-cô-la nâu sẫm làm “đá” cho ốc leo. Rải rác chút hòn “sỏi” vụn hạnh nhân nằm lơ đãng. Một bức tranh ngon mắt đậm chất “thiền”. Vị ngọt của kem và bánh nổi lên giữa vị trà xanh đắng nhàn nhạt và sô-cô-la đắng đậm đà. Đúng là nhờ đắng cay mới thấm ngọt bùi. Kem matcha và bánh sô-cô-la @ daigoji.or.jp Chùa Hạ Đề Hồ Tự (Shimo-daigo) Hai bên đường đến cổng Chùa Hạ đứng trầm tư những cây anh đào năm trăm năm tuổi. Thân cây vạm vỡ, vỏ xù xì xanh rêu. Không giống anh đào nơi khác, đào Đề Hồ Tự rất độc đáo. Có cây nở ra hoa đào hai tầng cánh, có cây hoa lớn gấp đôi hoa đào thường. Nổi bật nhất là các cây tất cả cành hoa đều rũ xuống trông như bức mành hồng phấn khẽ lay trong gió. Biệt danh của chúng là “đào cành rũ của Nhiếp Chính Vương”. Chúng tôi thật quá may mắn có mặt tại Đề Hồ Tự đúng thời điểm để chứng kiến cảnh tượng diễm lệ này. Đào cành rũ của Nhiếp Chính Vương @ mapleventurous.com Cổng Chùa Hạ (Niomon) không hùng vĩ như cổng Sanmon chùa Chion-in. Cổng xây bằng gỗ sơn đỏ, có tượng thần trấn giữ hai bên. Họ là Nio – thần bảo vệ chùa khỏi ma quỷ và các tên trộm bất lương. Để hoàn thành nhiệm vụ khó khăn này, thần Nio có khuôn mặt dữ tợn, thân hình cơ bắp và vũ khí vung lên sẵn sàng tấn công kẻ mạo phạm. Nio luôn đi một cặp, trong đó một vị há miệng thành âm “a” cùng một vị mím miệng thành âm “um”. “A-um” hay “Om” trong tiếng Phạn là chân ngôn đại diện cho vũ trụ trong Phật giáo. Tôi tự xét mình không có ý định bất lương nào nên bình tĩnh đi qua cổng Niomon. Chánh điện chùa (Kondo Hall) trông giản dị và cổ kính. Phật Dược sư nét mặt thanh tịnh, đang ngồi thiền cùng hai vị Bồ Tát. Phía sau Phật có tượng bốn Thiên Vương theo hầu. Người lễ Phật chỉ chắp tay thành kính chứ không đốt nhang, cũng không có hòm công đức. Gần chánh điện, Tháp Năm Tầng (Goju-no-to) là kiến trúc lâu đời nhất còn tồn tại ở Kyoto. Thiên hoàng Suzaku xây tháp năm 936 để cầu nguyện cho cha mình là thiên hoàng Daigo, người sau khi truyền ngôi đã xuất gia và qua đời tại Đề Hồ Tự. Daigo lên ngôi năm 12 tuổi, làm vua 33 năm, qua đời lúc 46 tuổi. Ông là người kiên định, tự chấp chính thay vì dựa vào cố vấn. Ông rất yêu thơ và là vị vua Nhật đầu tiên cho biên soạn tuyển tập Kokinshu ghi lại các bài thơ hay. Ông cũng khá đa tình với 21 bà vợ và 36 người con. Rồi một hồ nước trong xanh hiện ra. Giữa bạt ngàn cây lá ẩn hiện ngôi đền nhỏ và nhịp cầu đỏ cong cong. Đền Bentendo thờ Nữ thần Tri Thức và Nghệ Thuật. Đậy là một trong những cảnh làm du khách “chết mê chết mệt” ở Đề Hồ Tự nhất là vào mùa thu từ tháng 10 đến tháng 12. Lúc ấy Bentendo ẩn mình trong sắc đỏ lá phong pha sắc vàng lá bạch quả trên nền xanh núi rừng và màu xanh dương trong vắt của trời nước thành phong cảnh vô cùng thơ mộng. Đền Bentendo I The Japan FAQ, “Daigo-ji Temple”, YouTube Chưa thấy mệt nên chúng tôi tiếp tục thả bước trên đường dẫn lên chùa Thượng Đề Hồ Tự. Cổ thụ cao vút. Đâu đây suối chảy róc rách. Không khí mát mẻ thâm u. Thảm lá rừng càng lúc càng dày. Tôi chợt nhớ “Tiếng thu” của Lưu Trọng Lư: “Em không nghe rừng thu, lá thu rơi xào xạc, con nai vàng ngơ ngác, đạp lên lá vàng khô?” Rừng thu Đề Hồ Tự cũng rất thi vị, chẳng lẽ không có thi sĩ nào động lòng? Dĩ nhiên là có! Một thi sĩ vô danh đã làm bài thơ cảnh thu 17 từ, được ghi lại trong tập Kokinshu thời Vua Daigo. Tôi mạo muội phỏng dịch thành khổ thơ tứ tuyệt: “Gió lộng rừng thu hiện áo trời Vàng cam đỏ thắm phủ muôn nơi Gió đến rồi đi không hẹn ước Lặng lẽ nơi này thảm lá rơi.” (Kokinshu bài 290, bản tiếng Anh của Lewis Cook) Lá thu Đề Hồ Tự I Kamobatake, “Autumn Leaves, Daigoji Temple”, YouTube Chúng tôi rời Đề Hồ Tự trong cảm giác lâng lâng nhẹ nhàng. Một cảm giác đơn thuần chiêm ngưỡng vẻ đẹp mà không ham muốn. Có lẽ cuộc đời hai người quan trọng liên quan tới Đề Hồ Tự đã ảnh hưởng đến suy nghĩ chúng tôi chăng? Thiên hoàng Daigo thở hơi cuối cùng tại ngôi chùa ông thích, nhưng thân xác của ông được chôn cất nơi khác. Toyotomi Hideyoshi qua đời chỉ vài tháng sau Hội Hoa Đào, không kịp thấy vườn Sanbo-in hoàn tất. Cuộc đời thật ngắn ngủi! Trong khoảnh khắc mông lung ấy, tôi cảm thấy vô cùng biết ơn. Nhờ họ mà hậu thế được đọc những vần thơ tuyệt tác và nhìn ngắm phong cảnh mỹ lệ ở Đề Hồ Tự. Cuộc sống, phù du như áng mây trôi ngoài cửa sổ, dạy ta một bài học quý giá. Mong mỗi người có thể làm một áng mây trôi với trái tim rộng mở và ánh mắt tò mò với những điều kỳ diệu thoáng qua chung quanh chúng ta. mlefood – Minh Lê Home Nhật Tiếng Việt Nhật: Phong cảnh
Home P3 Nem Nướng Ninh Hòa và Bình Định August 18, 2023June 22, 2024 Bánh Cuốn Tây Sơn (Bình Định) gây bất ngờ. Nem Nướng Ninh Hòa thu phục lòng người hâm mộ. Read More
English The Enchanting Roasted Rice Pork December 13, 2024 Have you ever experienced the delight of Vietnamese roasted rice pork? Read More