Hoa Thiên Lý và Bông Điên Điển mlefood, January 17, 2025 Table of Contents Toggle Hoa Thiên LýBông Điên Điển Hãy thử “ăn hương, ăn hoa” với hoa thiên lý và bông điên điển. Ẩm thực Việt Nam không chỉ cuốn hút bởi nguyên liệu phong phú mà còn bởi việc sử dụng tinh tế nhiều loài hoa như hoa thiên lý và bông điên điển. Từ bát canh ngọt ngào đến món xào hấp dẫn, cạnh vẻ đẹp trong thi ca, hai loài hoa này tạo nên một dấu ấn khó quên trong lòng người thưởng thức. Hoa Thiên Lý Giàn thiên lý xanh ngời ngợi đu đưa những chiếc lá hình trái tim trong gió cạnh những chùm hoa vàng nhạt dịu dàng từng là hình ảnh quen thuộc ở Bắc Việt. Hoa thiên lý năm cánh bé tí xòe ra như ngôi sao, đính vào tràng hoa thon dài mảnh mai như cây đũa thần của bà tiên trong cổ tích. Giàn hoa thiên lý thơ mộng ấy đã chứng kiến bao rung động đầu đời, bao chuyện tình lãng mạn, tạo cảm hứng cho những vần thơ đẹp. Hoa thiên lý I Video Alobacsi, “Hoa thiên lý”, YouTube “Sột soạt gió trêu tà áo biếc, Trên giàn thiên lý. Bóng xuân sang.” “Mùa xuân chín”, Hàn Mặc Tử Không rõ gió đang “trêu” “tà áo biếc” là tán lá thiên lý xanh ngát hay tà áo xanh vời vợi mỏng manh của người con gái bên giàn thiên lý? Và “bóng xuân sang” ngụ ý đất trời đang chầm chậm đổi thay đón mùa xuân tươi đẹp trở về hay đó là hình bóng thanh xuân của người thiếu nữ? Thi sĩ đã kín đáo mời gọi trí tưởng tượng và cảm nhận phong phú của người đọc, nên chỉ hai câu mà vẽ nên bao hình ảnh đầy ý thơ. Giàn hoa thiên lý I THVL Tổng hợp, “Vườn hoa thiên lý”, YouTube Hoa thiên lý không chỉ đẹp mà còn mang hương thơm dịu nhẹ. Càng về đêm, hương hoa càng nồng nàn nên hoa thiên lý được gọi là dạ lý hương. Thi sĩ Nguyễn Bính cảm nhận mùi hương thanh tao của hoa thiên lý vào một buổi chiều thu lộng gió trên mặt hồ mênh mông xanh thẳm: “Thăm thẳm trời xanh lộng đáy hồ, Mùi hoa thiên lý thoảng chiều thu.” (“Chiều thu”) Sau khi thả tâm hồn lãng đãng bay theo những vần thơ, ta hãy trở lại căn bếp gia đình để thưởng thức vài món ngon từ hoa thiên lý. Thiên lý xào tỏi thanh đạm mà ngon. Hoa thiên lý giòn giòn, thơm thơm, nhân nhẫn, thoảng tí mặn của muối và béo của dầu, điểm thêm tỏi phi ngòn ngọt. Có người khó tính thích xào với hành khô, sợ tỏi nồng át mất mùi hương thiên lý. Hoa thiên lý xào thịt I Video Alobacsi, “Hoa thiên lý”, YouTube Ngoài xào tỏi, hoa thiên lý còn kết hợp với nguyên liệu giàu chất đạm như thịt bò, thịt heo, tôm, lòng gà, và trứng. Dù kết bạn với ai hoa thiên lý vẫn giữ tính dịu dàng và khiêm tốn, sẵn sàng chia sẻ hương vị thanh mát giúp món ăn chung thêm quyến rũ. Nếu trong món xào, mùi thơm thiên lý thấm sâu trong hoa thì trong món canh, mùi thơm ấy chan hòa trong nước canh tạo nên một dư vị khó quên. Tôm, giò sống, riêu cua, thịt bò, hay thịt nạc bằm, mỗi loại khi giao hòa với hoa thiên lý sẽ tạo ra một mỹ thực riêng vương vấn nơi đầu lưỡi, để lại những cảm xúc sâu sắc không kém thơ ca. Canh hoa thiên lý nấu tôm I Cook béo, “Canh hoa thiên lý nấu tôm”, YouTube Trong kho tàng cổ tích Việt Nam, sự tích hoa thiên lý kể rằng xưa có đôi vợ chồng, người chồng có tài thổi sáo rất hay. Rắn lục mê tài của anh, bèn hóa thành người vợ mong “mập mờ đánh lận con đen”. Một cụ già khôn ngoan được nhờ phân định thật giả. Trong thử thách cuối, cô vợ thật đã nhận ra chồng dù khoảng cách rất xa, còn rắn lục thì đoán nhầm. Cây hoa lạ mọc ở nhà đôi vợ chồng sau đó được đặt theo tên người vợ là Lý thêm chữ “thiên” (ngàn), ý là dù xa ngàn dặm cô vẫn nhận ra chồng. Hoa thiên lý có tên từ đó. Với nhạc phẩm “Ôi giàn thiên lý đã xa”, nhạc sĩ Phạm Duy đã làm bao con tim xao động. Từ nhạc dân ca Anh, ông soạn lời Việt theo bản tiếng Pháp “Chèvrefeuille que tu es loin” nói về hoa kim ngân và một mối tình buồn. Nhạc sĩ liên tưởng ngay đến hoa thiên lý và mối tình thơ dại dưới giàn thiên lý. “Tội nghiệp thằng bé nhớ thương mãi quê nhà, giàn thiên lý đã xa đã rời xa…” Lời Việt tha thiết, lãng mạn, đượm buồn mà không bi lụy, rất hợp với âm hưởng dịu dàng của giai điệu – tiếng lòng của “trái tim non buồn thương”. Hoa thiên lý từ lâu đã du hành từ Bắc vào Nam, và xuất hiện rạng rỡ, duyên dáng trong ca dao Nam Bộ: “Tóc em dài em cài bông hoa lý Miệng em cười anh để ý anh thương” Hoa thiên lý làm gỏi với nghêu I Hóng Showbiz, “Gỏi nghêu hoa thiên lý”, YouTube Phong cách Nam Bộ là vậy – bộc trực và thẳng thắn, nên người Nam Bộ thích đưa hoa thiên lý vào các món gỏi nhiều hương vị với thịt bò, thịt gà, thịt heo, nghiêu hay làm gỏi chay với nấm, cà rốt, bắp chuối. Gỏi nghêu hoa thiên lý rất độc đáo, vừa rực rỡ sắc màu, vừa đa chiều hương vị. Nghêu ngọt, pha tí vị biển mặn mòi, dai dai đi với hoa thiên lý giòn mềm và ớt sừng cay cay giữa vòng tay nước mắm chua ngọt và sả phi thơm lừng. Bông Điên Điển Mỗi mùa nước nổi, những cánh đồng miền Tây Nam Bộ ngập trong làn nước đỏ ngậm phù sa. Giữa làn nước mênh mông chỉ còn lại những đọt cây cao và hàng cây thon thả, lá nhỏ xinh như lá me, hoa vàng rực như mai mùa xuân. Từ xa nhìn lại, những chùm hoa đong đưa trong nắng như đàn bướm chấp chới giữa trời xanh. Đó là bông điên điển, còn được cư dân miền Tây gọi một cách trìu mến là “mai vàng mùa lũ”. Bông điên điển I Đặc sản miền sông nước, “Bông điên điển”, YouTube Điên điển là món quà thiên nhiên ban tặng miền Tây vào mỗi mùa nước nổi. Thời còn đói khổ, mùa nước lên thiếu gạo, thiếu rau, người miền Tây hái bông điên điển về ăn sống, chấm mắm kho quẹt, nấu canh chua, làm dưa. Vì vậy bông điên điển còn có tên khác là “bông cứu đói”. Muốn có bông điên điển ngọt và ngon phải hái lúc hoàng hôn hay trước bình minh, bởi khi nắng lên ong tới hút mật bông không còn ngọt nữa. Cánh bông điên điển mềm nên có thể ăn sống, chấm mắm kho quẹt hay trộn gỏi với tép đồng. Nhai thử một bông điên điển, đầu lưỡi ta tiếp xúc với vị đăng đắng từ cánh hoa. Nhai kỹ hơn, có chút ngọt từ mật hoa, bùi bùi của cuống. Thêm chú tép đồng và một lá rau thơm, vị giác ta bỗng đạt tới một khoái cảm kỳ lạ mà lâu nay ta vẫn khao khát, một cảm giác thăng hoa hiếm gặp giữa đời thường. Gỏi tép đồng bông điên điển I Bếp của Vợ, “Gỏi tép đồng bông điên điển”, YouTube Bông điên điển đem nấu canh chua với cá mùa lũ thì hết chỗ chê, trong cái chua thanh ngọt ngào của canh pha lẫn chút nhân nhẫn đắng của điên điển, như tiếng lòng rộn rã rối bời của cô gái miền Tây trước người mình thương: “Tôi biết có nồi canh điên điển Cá bông lau, đậu bắp, mỡ hành Em ngậm cái màu bông chín nõn Thẹn thùng không nói được tiếng “anh”.” “Bông điên điển”, Bùi Chí Vinh Bông điên điển muối chua lại thì thầm một ngôn ngữ khác, dịu dàng đằm thắm với vị chua chua ngọt ngọt giòn giòn và không còn đắng nữa. Dưa bông điên điển cặp kè cùng cá nướng trui, thêm chén mắm ớt thì dù là vua cũng bỏ sơn hào hải vị mà xin một miếng: “Điên điển mà đem muối chua Ăn kèm cá nướng đến vua cũng thèm.” (Ca dao) Dưa chua bông điên điển I Đặc sản miền sông nước, “Bông điên điển”, YouTube Từ cuối thập kỷ 2020, một số nông dân miền Tây bắt đầu trồng điên điển trái mùa. Họ dùng giống điên điển Thái Lan trổ bông quanh năm, chỉ cần bón phân và tưới nước thường xuyên. Đây là nỗ lực tăng thu nhập đáng khích lệ của người nông dân, mong sẽ được chính quyền và thị trường ủng hộ. Thành ngữ Việt có câu “ăn hương ăn hoa” tả cách ăn thanh cảnh, cốt biết mùi vị chứ không cốt no. Với hoa thiên lý và bông điên điển, “ăn hương ăn hoa” nay có thể hiểu theo nghĩa đen, dù ăn hương ăn hoa vẫn no và ngon. Ta có thể vừa lãng mạn theo những câu thơ về hoa vừa thưởng thức món ăn tinh tế từ hoa. Chúc bạn thăng hoa! mlefood – Minh Lê Home Tiếng Việt Việt Nam V: Rau- Trái
Home Chua: Dưa Môn, Dưa Bồn Bồn, Rau Sắn January 3, 2025January 3, 2025 Dưa chua Việt rất phong phú, tỷ như dưa môn và nhiều loại khác. Read More
Home P2 Nem Lụi Miền Trung August 11, 2023June 22, 2024 Nem lụi Huế, nem lụi Đà Nẵng và ram thịt nướng Quảng Ngãi có gì khác biệt? Read More
English P4 The Original Nem Nướng August 25, 2023October 8, 2023 How special are the grilled pork rolls from La Gi and the Southwest? Finally, which one is the original Nem Nướng? Read More