Nhật: Quạt Phiến – Xếp – Chiến mlefood, March 8, 2024 Table of Contents Toggle Quạt Phiến: Uchiwa Quạt Xếp: SensuQuạt Chiến: Gunbai và Tessen Cùng khám phá quạt phiến ấn tượng, quạt xếp tinh tế và quạt chiến chết người… Bạn có thể hình dung cây quạt tí hon nằm gọn trong lòng bàn tay khi đang xòe ra, và trên quạt vẽ 12 loại sushi kèm tên tiếng Nhật không? Tôi thì không thể cho đến khi tôi tận mắt thấy nó ở một hàng quạt tại Kyoto. Chúng tôi đã ghé nơi này cùng Emi, cô hướng dẫn viên người Nhật dễ thương. Emi kể quạt đã có ở Nhật từ thế kỷ 4. Lúc đó người giàu dùng quạt che mặt để giấu biểu cảm khi cần hay che răng khi cười, sau mới để quạt mát và đuổi côn trùng. Từ thế kỷ 8 trở đi, quạt là tượng trưng cho địa vị vua chúa và quý tộc. Đến thế kỷ 12, quạt thành vật bất ly thân của các samurai. Thậm chí quạt biến vũ khí lợi hại trong thời chiến tranh liên miên ở Nhật vào thế kỷ 15 – 16. Sang thế kỷ 17, không chỉ quý tộc mà nghệ sĩ kabuki, geisha và người bình dân đều dùng quạt. Quạt xuất hiện khắp nơi, trong lễ Thần đạo, trà đạo và vũ điệu dân gian. Hầu như mỗi người Nhật đều có một cây quạt trên tay hay giắt ở thắt lưng. Người ta vẽ lên quạt đủ thứ hình hoa lá cỏ cây, người và vật. Có cả những bức tranh xuất sắc trên quạt, như bức “Làm ruộng mùa thu” của họa sĩ Katsushika Isai. Quạt vẽ tranh “Làm ruộng mùa thu”, họa sĩ Katsushika Isai @ Met Museum Khi Nhật duy tân cuối thế kỷ 19, người Nhật bớt xài quạt nhưng quạt không biến mất. Nó vẫn là vật không thể thiếu trong lễ hội dân gian, biểu diễn nghệ thuật truyền thống và dĩ nhiên, trong đời sống hàng ngày. Quạt Phiến: Uchiwa Uchiwa xuất hiện đầu tiên ở Nhật. Uchiwa trong tiếng Nhật gồm từ “quạt” và ‘tròn”. Tuy vậy tôi không dịch uchiwa là quạt tròn vì uchiwa mang nhiều hình dáng đặc sắc: tròn như trăng rằm, thuôn dài như quả trứng, hay hình thang khỏe khoắn. Dùng từ “phiến” sẽ phù hợp hơn bởi uchiwa chính là phiến giấy hay vải dán cố định trên các nan tre nối với tay cầm. Đơn giản vậy thôi, nhưng kiểu dáng và văn hóa uchiwa không hề đơn giản. Đầu tiên, có ba cách làm uchiwa khác nhau, mỗi cách tạo ra một vẻ đẹp riêng biệt. Quạt Boshu nhỏ nhắn duyên dáng, quạt Kyoto tao nhã yêu kiều, quạt Marugame mạnh mẽ hào sảng. Là kinh đô nước Nhật từ thế kỷ 8, nơi hội tụ tinh hoa văn hóa và nghệ thuật, Kyoto đã sản xuất quạt qua nhiều thế kỷ. Kiến thức và kinh nghiệm truyền từ đời này sang đời khác tạo nên các nan quạt tinh vi và mặt quạt tinh tế, với 87 công đoạn chi tiết hoàn thành một cây quạt. Uchiwa Kyoto tròn trặn và tao nhã với tay cầm bằng gỗ tuyết tùng đắt đỏ hay gỗ sơn mài quý giá. Đỉnh cao quạt phiến Kyoto là quạt rỗng. Phải, bạn không nghe lầm đâu! Giữa các nan quạt không có gì cả thì là rỗng, đúng không? Tất nhiên, rỗng hết thì không thành quạt nên một phần mặt quạt sẽ có hình cỏ cây hoa lá. Các nan quạt mảnh mai vẽ lên không gian ba chiều khiến bức tranh trên quạt bừng tỉnh: lá run rẩy trong gió, hoa chấp chới và cánh chim xao động muốn bay. Quạt rỗng Kyoto @ orientalsouls.com Ngược với Kyoto, quạt Marugame rắn rỏi và nam tính. Đầu thế kỷ 17, vị chủ tế đền Konpira trên đỉnh núi Zozu đã dùng mực đen viết từ “vàng” ngụ ý thịnh vượng lên cây quạt phiến đỏ tươi của Edo (Tokyo bây giờ) làm quà tặng cho khách thăm đền. Từ đó, khách hành hương nào tới đền đều muốn có cây quạt phiến “giàu có”, nhất là sau khi trèo 1400 bậc thang lên đỉnh núi. Vậy là quạt bán chạy như tôm tươi. Nơi cung cấp quạt cho đền là thị trấn Marugame ở vùng lân cận. Tre nhỏ làm quạt phiến kiểu Edo I Chiaki Tanaka, “Boshu-uchiwa”, YouTube Quạt Marugame dùng nguyên liệu trên đảo Shikoku như tre Ehime, giấy washi Kochi và keo dán từ Tokushima. Lúc đầu quạt dùng tre Ehime thân nhỏ như trúc. Cuối thế kỷ 19, quạt bán được quá nên công ty kinh doanh quạt Marukame đổi từ quạt tre thân nhỏ kiểu Edo sang quạt tre thân lớn kiểu Nara. Cách này vừa tăng năng suất vừa tiết kiệm nguyên liệu vì tre lớn làm ra nhiều quạt, còn tre nhỏ chỉ được vài cái. Marugame uchiwa I Marugame Uchiwa Cooperation, “Marugame Uchiwa”, YouTube Ngoài lợi ích kinh tế, quyết định của công ty đã định hình phong cách quạt Marugame hiện tại: tay cầm dẹp dài, cung giữ nan quạt dày và chắc, phiến quạt lớn hình bầu dục, quả bưởi, mái chèo hay hình thang, màu sắc mạnh và trung tính. Ngoài ra, Marugame còn sản xuất 85% số quạt nhựa uchiwa dùng trong quảng cáo ở Nhật. Hèn chi thành phố dựng hình uchiwa ở khắp nơi. Nếu bạn muốn biết cách cây quạt phiến đã nuôi sống cư dân một vùng ra sao, bạn nên ghé thăm bảo tàng quạt Uchiwa-no-Minato tại Marugame. Không chỉ ngắm quạt cổ và xem nghệ nhân làm quạt, bạn có thể tự tay làm một chiếc quạt chính hiệu Marugame độc nhất vô nhị. Bảo tàng quạt Uchiwa-no-Minato I Marugame Uchiwa Cooperation, “Marugame Uchiwa”, YouTube Quạt phiến Boshu, nhỏ nhất và ra đời sau cùng, đến từ Chiba. Vùng Boshu ở Chiba mọc nhiều tre thân nhỏ bằng ngón tay cái. Quạt Boshu theo kiểu Edo: một đầu đoạn tre làm tay cầm, đầu kia chẻ ra 48 hay 64 nan nhỏ như cây tăm. Một đường chỉ tơ lả lướt từ cánh cung dương liễu giữ các nan quạt xòe đều thành khung quạt. Mặt quạt Boshu thường là tranh in mộc bản (ukiyo-e) rất Nhật: mỹ nhân với kimono, nghệ sĩ tuồng kabuki, hay phong cảnh như bức “Sóng lừng ngoài khơi Kanagawa” của họa sĩ Hokusai. Quạt Boshu in tranh “Sóng lừng ngoài khơi Kanagawa” I Boshu Uchiwa, “How to make a Boshu uchiwa”, YouTube Người Nhật không thể thiếu quạt phiến dù họ đã có máy điều hòa và quạt điện. Họ dùng uchiwa quạt cơm mau nguội để nắm sushi, quạt than mau đỏ cho đồ nướng yakiniku, quạt mát khi dự lễ hội ngoài trời, che nắng, và… quảng cáo. Hãy tưởng tượng một lễ hội náo nhiệt và nóng bức, đâu đâu cũng thấy một cây quạt phiến phe phẩy in hình quảng cáo của công ty bạn. Chưa hết, người dự sẽ đem cây quạt về nhà để xài, và thế là cơ hội quảng cáo càng tăng lên. Vừa tiết kiệm, vừa hiệu quả, vừa bảo vệ môi trường! Quạt quảng cáo thậm chí còn làm đổi tên lễ hội: lễ rước thần cho đền Yasaka tại Kumagaya vào tháng 7 hàng năm được đổi thành Lễ hội Quạt Uchiwa Matsuri vì từ đầu thế kỷ 20, các thương nhân ở đây có lòng tặng quạt cho khách để thu hút người mua. Ngày nay, khoảng 750 ngàn người tới Kumagaya dự lễ mỗi năm, chiêm ngưỡng các kiệu hoa rước thần và tay thì phe phẩy quạt. Quạt Xếp: Sensu Người xài quạt xếp đầu tiên là hoàng gia Nhật và quan lại triều đình. Họ ghi chú trên các tấm gỗ bách dẹp và mỏng thay giấy. Để dễ đọc, họ cột các mảnh gỗ này lại với nhau và xòe ra thành hình nửa mặt trăng. Rồi ai đó thấy nó có ích khi cần che mặt hay tạo chút gió lúc trời oi bức. Họ gọi thứ này là hiogi. Rồi hiogi thành vật cầm tay không thể thiếu của quý tộc. Họ vẽ tranh, đề thơ lên quạt, thậm chí thay gỗ bách bằng gỗ đàn hương cho thơm nữa. Quạt xếp hiogi I NHK World, “Folding Fans: Cooling Accessories Encapsulate Elegance” Để quạt nhẹ hơn, người ta làm nan quạt nhỏ lại và dán giấy hay lụa lên nan: quạt xếp sensu ra đời. Quạt Kyoto nhiều nan với nếp gấp nhỏ thanh lịch, màu sắc thanh nhã tươi sáng. Kyo-sensu được phái nữ ưa chuộng, dùng nhiều trong kịch Noh, vũ đạo của geisha, và trà đạo. Quạt kiểu Edo (Tokyo bây giờ) nan lớn dày, màu mạnh và đậm. Lúc gấp lại, quạt vang lên một tiếng đanh gọn, quyền uy nên được nam giới thích, dùng cho nghi lễ và lễ kỷ niệm. Quạt xếp Kyoto I Brian Jeffery Beggerly on Flickr @ fromjapan.co.jp Quạt là quà tặng ý nghĩa trong dịp sinh nhật, cưới hỏi, sinh con, và mừng thọ. Cha mẹ tặng con quạt vẽ hình lá lanh, mong con mạnh mẽ như cây lanh. Quạt tặng người cao tuổi thường vẽ rùa và hạc để chúc sống lâu. Trong kịch Noh, mỗi nhân vật cầm quạt có hình vẽ và màu sắc khác nhau. Quạt múa của maiko và geiko ở Kyoto thay đổi theo cảnh sắc mỗi mùa. Quạt hiện đại cũng khá độc đáo, như quạt “Thiên hà” rực rỡ bụi vũ trụ và các vụ nổ lớn sáng chói trên nền trời đêm của nghệ nhân Yoshikura. Quạt khảm vàng “Thiên hà” từ nghệ nhân Yoshikura @ thebecos.com Một quạt, một khăn, và giọng nói sinh động là đủ khiến khán giả cười nghiêng ngả hay gật gù suy ngẫm. Từ thế kỷ 17, nghệ sĩ rakugo dùng ngôn ngữ và động tác dựng lên vở kịch hoàn chỉnh nhiều cung bậc hài hước, ma quái, châm chọc, tình cảm, trong đó quạt gấp là viết, đũa, kéo, còn quạt xòe là dĩa, thư, bình rượu, v.v. Từ 2005, rakugo đã hồi sinh. Theo khảo sát năm 2015 của Hapiken, cứ bốn người Nhật thì có một người đã coi rakugo – một tỉ lệ hiếm thấy với nghệ thuật truyền thống. Tosenkyo là công dụng độc đáo khác của quạt xếp. Quý tộc Nhật nghĩ ra trò này từ thế kỷ 8, khi có người quăng nhẹ quạt vào con bướm đậu trên gối gỗ và thấy cả bướm cả quạt bay lên trông thật là hay. Vậy là họ nghĩ ra 54 tư thế của bướm và quạt để chấm điểm xem ai tạo được nhiều tư thế đẹp nhất. Có nhiều trường phái khác nhau với bộ tư thế khác nhau mang tên các nhân vật trong “Truyện chàng Genji” vào thế kỷ 11 – tác phẩm xuất sắc trong văn chương Nhật tầm cỡ Truyện Kiều ở Việt Nam. Trò chơi quạt Tosenkyo I Let’s ask Shogo, “How Japanese gambled by throwing fans”, YouTube Quạt Chiến: Gunbai và Tessen Loại quạt này có lẽ chỉ Nhật mới có: quạt chiến. Đúng như tên, hai quạt này xuất hiện thời Chiến quốc (thế kỷ 15 – 16) khi các lãnh chúa đánh nhau liên miên nhằm tranh giành đất đai và quyền lực. Đầu tiên ta có gunbai – quạt hiệu lệnh. Quạt hình bầu dục, mặt gỗ khảm bạc, đồng hay sắt và cán kim loại. Trên mặt gunbai khảm hình mặt trời, mặt trăng hay huy hiệu gia tộc. Tướng lĩnh đứng ở chỗ cao, dùng gunbai thay cờ lệnh và trống ra hiệu cho quân lính di chuyển theo thế trận. Hiện nay trọng tài thi đấu vật sumo vẫn dùng gunbai để ra hiệu và chỉ định người thắng trong trận đấu. Quạt hiệu lệnh Gunpai @ Khan Academy Lúc quạt xếp là vật tùy thân bắt buộc cho samurai để chứng tỏ thân phận, họ đã khôn khéo biến quạt thành vũ khí phòng thân lợi hại. Cạnh quạt làm từ gỗ quý cứng rắn hoặc kim loại, có thể đỡ kiếm, phòng thủ và tấn công. Khi nan quạt cũng bằng kim loại thì quạt xòe ra thành khiên gạt tên, dao và ám khí. Sợi dây treo ở thân quạt tưởng vô hại lại thành thứ cướp vũ khí hay siết cổ đối phương khi cần. Loại quạt ghê gớm này gọi là tessen. Cạnh kiếm pháp Kenjutsu tinh túy, nhiều thế hệ samurai đã phát triển bộ võ thuật dùng quạt tên Tessen-jutsu, tức “quạt pháp”. Sử sách Nhật ghi nhận Tướng quân Tokugawa Ieyasu (1543 – 1616), người thống nhất Nhật đầu thế kỷ 17 sau thời kỳ loạn lạc, là người rất giỏi quạt pháp. Ông luôn mang theo mình chiếc quạt chiến lớn đầy oai phong. Quạt chiến tessen I Top 10 information, “Japanese war fans”, YouTube Dù trong chiến tranh hay đời thường, quạt Nhật luôn trung thành với vai trò người bạn đồng hành giản dị và đa năng. Nhờ vậy, quạt Nhật đã tồn tại hơn một thiên niên kỷ và tiếp tục hiện diện chừng nào nó còn duy trì đặc tính cao quý này. mlefood Home Nhật Tiếng Việt Nhật: Văn hóa
Home P2 Maiko và Miyako Odori November 24, 2023 Gion (Kyoto) bừng sáng với vẻ lấp lánh của maiko và sự lộng lẫy của Miyako Odori. Read More
Home Bắc Việt: Cháo Canh – Canh Bánh Đa February 16, 2024August 23, 2024 Canh bánh đa nghe còn có lý, chớ cháo canh ư? Hãy đọc tiếp rồi bạn sẽ biết… Read More
Home Mát rượi Nước Mía, Mía Ướp June 7, 2024June 14, 2024 Nhâm nhi mùa hè với thức uống thiên nhiên ngọt ngào nhất: nước mía. Read More