Ăn Cá Nóc: Hẹn gặp Tử Thần mlefood, May 3, 2024June 20, 2024 Table of Contents Toggle Cá Nóc Ăn Cá Nóc: Tiệc với Tử Thần Ăn cá nóc – đêm khó quên với hương vị mạo hiểm và niềm vui bất ngờ. Cá Nóc Cá nóc nổi tiếng là loại cá giết người trong chớp mắt bằng độc tố trong gan và các bộ phận cơ thể. Châu Âu đã cấm ăn cá nóc từ lâu, còn Mỹ giới hạn bằng các quy định nghiêm ngặt. Chỉ có Nhật dám đưa cá nóc lên hàng đặc sản quốc gia, và bảo đảm an toàn cho thực khách ăn cá nóc. Cá nóc @ Wikipedia Thực ra cá nóc đã bị cấm khá lâu ở Nhật rồi hồi sinh trở lại nhờ một người phụ nữ. Khi Thủ tướng Ito Hirobumi thăm thành phố Shimonoseki nơi cá nóc là món ăn truyền thống, bà chủ quán Shunpanro đã xin phép dọn món cá nóc tự tay làm và ăn thử trước mặt ông do không mua được cá khác vì mưa bão. Ăn xong, Hirobumi thay đổi quan điểm. Năm 1888, Shunpanro là quán đầu tiên được cấp phép bán cá nóc, mở đầu cho xu hướng bỏ lệnh cấm trong các tỉnh khác. Tuy vậy chính phủ vẫn quản lý chặt và giới hạn số quán cá nóc. Đầu bếp trong các quán này phải qua huấn luyện từ hai tới ba năm và nằm trong số 35% thí sinh may mắn trong cuộc thi lấy bằng. Họ sẽ tự ăn món cá nóc mình chuẩn bị trước khi các giám khảo nếm thử. Giá cả đắt đỏ, quy định nghiêm ngặt và chất độc trong cá biến cá nóc thành món ăn độc đáo của Nhật. Ăn Cá Nóc: Tiệc với Tử Thần Chúng tôi chọn ăn cá nóc vào đêm cuối cùng ở Nhật. Osaka nằm cạnh biển nên cá nóc không quá mắc, vả lại chúng tôi đã đi, ăn và chơi thỏa thích, giờ có gặp Tử Thần cũng không đáng tiếc. Cô nhân viên Phòng Thông tin Du lịch Osaka cho chúng tôi địa chỉ và số điện thoại hai quán cá nóc ở quận Namba. Sau khi nhờ tiếp tân khách sạn đặt hẹn, tối hôm sau chúng tôi lên đường. Thần May Mắn đã mỉm cười với chúng tôi qua nhiệt tình của những người chỉ đường: người soát vé tàu điện ngầm chỉ cổng ra đúng hướng nên đỡ đi lòng vòng, một thanh niên chỉ đường tắt và một thiếu nữ từ hiệu giày dẫn chúng tôi tới trước cửa quán. Chủ quán không biết tiếng Anh, nhưng khi tôi viết tên, ông nhận ra ngay và hồ hởi dẫn chúng tôi tới bàn để sẵn. Quán nhỏ, có đúng 7 cái bàn bốn người. Chúng tôi thấy áy náy vì chiếm chỗ gấp đôi nên gọi hết các món họ có. Món khai vị là những sợi trắng muốt trong ngần rắc hành lá kèm một chén xốt nâu. Hóa ra đây là da cá nóc. Dai hơn bún tàu, thấm xốt hơi mặn hơi chua và có hậu ngọt, cùng vị tươi mát hăng hăng của hành, da cá đem lại cảm giác là lạ khá thú vị. Da cá nóc I T-box Japan, “Fugu cuisine in Osaka”, YouTube Món thứ hai: sashimi. Những lát cá mỏng tang trong suốt, bày thành hình hoa cúc trên chiếc dĩa màu xanh thẳm của biển. Thịt cá mềm mà không bở, tươi ngọt và không tanh mùi cá. Thường sashimi ăn cùng chút mù tạt xanh wasabi nhưng với cá nóc thì không cần vì vị cá rất thanh tao. Tiếp theo là những miếng bít-tết cá vàng rơm bên ngoài và trắng sữa bên trong. Tôi không nhận ra vị cá, chỉ thấy như đang ăn thịt bò nướng tái vừa đúng độ. Có hơi dai với người răng yếu, nhưng càng nhai càng thấm vị ngọt mê người của đạm. Cá nóc lăn bột chiên giòn @ savorjapan.com Cá nóc tẩm bột chiên giòn giống vị gà chiên, thơm mùi tỏi và thoảng rượu sake. Nặn chút nước chanh, chấm tí muối mặn mà như biển, miếng cá chiên đơn giản thành ngọn nến sưởi ấm tấm lòng, nhất là trong buổi tối đầu xuân mát lạnh ở Nhật. Rồi chúng tôi không chỉ có nến mà có nguyên một lò than hồng. Mùi cá nướng thơm thơm, hơi ấm của lửa, tiếng xì xèo của xốt teriyaki lẫn trong tiếng nói chuyện rì rầm. Từng sớ cá sậm sựt, ngọt lừ, tùy ý chấm với nước xốt ngọt hay mặn. Cá nóc nướng I T-box Japan, “Fugu cuisine in Osaka”, YouTube Bất ngờ lớn nhất là món lẩu, hay chính xác hơn, cái nồi lẩu bằng giấy trắng đựng trong rá tre. Chúng tôi tròn mắt nhìn người phục vụ đặt rá lên bếp điện trên bàn và bật bếp. Bếp ửng lên những vòng tròn đỏ rực và rất nhanh, nước lẩu sôi lăn tăn. Tờ giấy và rá tre vẫn y nguyên. Sau này tôi mới biết đó là giấy washi, loại giấy Nhật truyền thống có khả năng chống thấm và chịu nhiệt cao. Cá nóc nhúng lấu làm tôi nghĩ tới cá đuối, chỉ khác là cá nóc không hề tanh nên không cần vị chua cay như lẩu cá đuối. Rau đi cùng có tần ô và bắp cải, thanh mát nhẹ nhàng. Khi cá và rau đã hết thì nước lẩu được châm mới. Một dĩa cơm nhỏ và trứng đánh tan được thêm vào. Món cháo này thật đặc biệt: cơm dẻo, trứng mềm, nước dùng ngọt thanh thơm mùi rau củ lẫn vị đặc trưng của cá nóc. Ăn cá nóc trong lẩu giấy I Shiran de Silva, “Fugu hotpot”, YouTube Chúng tôi kết thúc bữa tiệc với Tử Thần bằng kem và trà nóng – món quà từ chủ quán. Hóa đơn càng làm chúng tôi vui vẻ: mỗi người chỉ tốn khoảng 100 đô-la Mỹ, quá rẻ cho một món ăn hiếm có. Ra về trong đêm xuân mát rượi với trái tim hạnh phúc và dạ dày ấm áp, bộ nhớ của chúng tôi có thêm một câu chuyện tuyệt vời. Trong bữa ăn, có lẽ Tử Thần đã nhìn khuôn mặt hài lòng của chúng tôi và lướt ngang qua, thừa biết các đầu bếp Nhật là kẻ địch không dễ đánh bại trong cuộc đấu sinh tử giữa kỹ năng và sự cẩn thận với rủi ro. Hòa vào dòng người tấp nập trên đường phố Osaka, chúng tôi tận hưởng đêm cuối cùng của chuyến đi, mang theo niềm vui và hương vị của một bữa tiệc khó quên. mlefood – Minh Lê Home Nhật Tiếng Việt Nhật: Tinh Túy Ẩm Thực
Home Kỳ diệu Cù Nèo, Rau Mác, Cải Trời October 25, 2024 Khám phá rau dại ngon và lành của miền Tây: cù nèo, rau mác, cải trời. Read More
Home Ngọt Ngon Bánh Ổ, Bánh Bầu September 13, 2024 Bánh Ổ, Bánh Bầu, nghe tên rất lạ, tuy lạ mà quen. Read More
Home Hiệp Sĩ Bánh Tráng December 8, 2023June 5, 2024 Nếu cơm là Vua trong ẩm thực Việt thì Bánh Tráng là chàng Hiệp sĩ dũng cảm bảo vệ và tạo nên vô số món ngon. Read More