Bánh xèo vỏ và Rau đắng đất mlefood, April 12, 2024July 21, 2024 Bánh xèo vỏ, rau đắng đất với nhạc và thơ… Hồi nhỏ, mỗi lần nhà đổ bánh xèo xong, hết nhưn mà còn bột, Má tôi liền đổ bánh xèo không nhưn. Mấy cái bánh này đừng ăn nóng, chờ giấc cỡ bốn giờ chiều bụng đói, lấy ra ăn với mắm nêm hay xì dầu chanh ớt, kèm thêm rau sống. Bánh xèo không nhưn nguội rồi có mùi bột gạo hơi chua, thi thoảng điểm miếng tóp mỡ giòn rụm, rìa ngoài giòn hơi dai, trong thì mềm và xốp. Không có thịt tôm giá gì làm phân tâm hết, cái vị chơn chất hiền lành đi kèm vị mặn thiệt thà của mắm nêm hay xì dầu, chua chanh cay ớt, ngon tới cầm lòng không đặng. Bánh xèo vỏ chấm mắm nêm I CKK Cooking, “Bánh xèo vỏ”, YouTube Về sống ở một thôn nhỏ miền Trung, tôi tái ngộ bánh xèo không nhưn ở chợ quê và biết tên chính thức của nó: bánh xèo vỏ. Ai đặt cái tên ngộ ha, mỗi lần nghe là liên tưởng tới cái vỏ xe đạp. Tất nhiên bánh xèo vỏ không có dai và cứng như vỏ xe đạp, mà mềm xèo, còn mềm hơn bánh xèo không nhưn hồi xưa. Nước mắm ở đây pha cà chua luộc chín bằm nhuyễn, thêm chút nước thơm (dứa) vắt, loãng và ngọt cùng chua nhẹ để húp chung với bánh. Lúc đầu tôi không thích kiểu nước mắm lạt này, lâu ngày ăn quen thấy cũng hay hay. Nhớ lần đầu mua bánh xèo vỏ, tôi hỏi cô bán bánh: “Bánh xèo không ăn với cải cay sao em?” Cổ trả lời: “Dạ không, có xà lách, rau thơm với rau đắng đất.” Có lẽ cải cay vị nồng, không hợp với nước mắm cà chua. Về nhà, tôi tò mò giở bịch rau sống ra coi rau nào là rau đắng đất. Ngoài các thứ quen thuộc, trong bịch chỉ có một loại tôi không biết, vậy chính là rau đắng đất rồi. Thân rau mỏng manh chỉ cỡ cọng giá, lá nhỏ xíu. Nhai kỹ thì thấy có vị đắng nhẹ. Rau đắng đất I Đặc sản miền sông nước, “Rau càng cua”, YouTube Rau đắng – từ này nghe quen quá, tôi sực nhớ câu hát trong bài nhạc nổi tiếng một thời: “Ai cách xa cội nguồn, ngồi một mình nhớ lũy tre xanh, dạo quanh khung trời kỷ niệm, chợt thèm rau đắng nấu canh.” (Bắc Sơn, “Còn thương rau đắng mọc sau hè”) Tôi nhớ bài này vì nhạc tình cảm, lời giản dị, và đặc biệt chỉ có “mẹ” với “cậu”, chớ không có “anh, em”. Tôi nghĩ hoài mà không hiểu câu: “Ai biết mẹ buồn vui khi mẹ kêu cậu tới gần, biểu cậu ngồi mẹ nhổ tóc sâu, hai chị em tóc bạc như nhau”. Cho tới khi tôi đọc bài thơ “Rau đắng đất” thi sĩ Nguyệt Lãng viết năm 1972 – nguồn cảm hứng cho nhạc sĩ Bắc Sơn viết bài “Còn thương rau đắng mọc sau hè”. Bài thơ kể chuyện hai chị em nhà nghèo ở một vùng quê. Mở đầu là bốn câu tả cảnh làng quê mùa mưa: “Trời mưa nướᴄ ngập ruộng sâu, Cá đồng về hội rủ nhau nhảy hầm. Mưa là mưa lũ mưa dầm, Hẹn mùa, rau đắng mọᴄ quanh thềm nhà.” Ở nhà quê, thềm nhà xi măng thâm thấp, xong tới nền đất, hễ mưa xuống là lá me đất và rau đắng mọc xanh sát bậc thềm. Lúc mưa lũ, mưa dầm, bó gối ngồi trong nhà nhìn ra thấy rau xanh rờn một mảnh. Cảnh mưa tầm tã, nhưng thân thuộc và ấm cúng, bởi hai chị em đang sống trong vòng tay yêu thương của cha mẹ. Mưa rồi sẽ có cá, có rau, “nhà quê” mà: “Tộ cá rô kho, Tô canh rau đắng… Đượm làm saᴏ tình nghĩa nhà quê Nhớ làm saᴏ thuở còn bé bỏng.” Canh cá rô rau đắng I Đặc sản miền sông nước, “Rau càng cua”, YouTube Hai chị em cứ vậy mà lớn lên, giữa những ngày qua cầu tre đi học, những chiều mưa về rét lạnh giành nhau ngồi trước mâm cơm. Những ngày cực khổ mà hạnh phúc bên cha mẹ lần lượt qua đi, rồi chị đi lấy chồng năm 16 tuổi, cha mẹ mất, em cũng xa xứ tha hương. Có những lúc giữa trưa hè đầy nắng: “Buổi trưa nồng gió nồm ru nắng hạ Khói đốt đồng làm mắt ᴄhị ᴄay.” Trong nắng gió lồng lộng và khói đốt đồng mênh mang, mắt chị cay vì khói hay vì nỗi nhớ người thân? Mùa khói đốt đồng ở miền Tây I Miền Tây trong tôi Official, “Mùa khói đốt đồng”, YouTube Người em đi biệt xứ, ba mươi năm sau trở về thăm chị. Thời gian chớp mắt mà qua, tóc chị bạc và em cũng bạc: “Chị lại ngồi ngạch ᴄửa Biểu em xích lại gần hơn. Chị ngập ngừng đưa ngón tay run Lượm sợi tóc sâu ở trên vai áᴏ.” Những câu thơ như một thước phim đẹp quay chậm thiệt chậm. Từ ngón tay run của chị, vì xúc động, vì tuổi tác, đến sợi tóc sâu bạc trắng trên vai áo người em nhỏ ngày nào. Tình thương của chị lặng lẽ giấu kín trong một cử chỉ đơn sơ và trìu mến. Khổ thơ cuối cùng mộc mạc mà rất thấm thía: “Để nỗi nhớ vây quanh Tóc trên đầu đã bạc Chân giang hồ bỗng dưng chùn bướᴄ Nghe giữa hồn rau đắng đất mọc xanh!” Phải đọc hết bài thơ, và dựa vào kinh nghiệm bao nhiêu năm cuộc đời, mới cảm được tác giả ngụ ý gì với “Chân giang hồ bỗng dưng chùn bước, nghe giữa hồn rau đắng đất mọc xanh!”. “Nghe giữa hồn rau đắng đất mọc xanh” I Đặc sản miền sông nước, “Mộc mạc hương vị đồng quê”, YouTube Người ta nói có duyên mới gặp. Tôi có duyên với bánh xèo vỏ để nhớ lại một chút tuổi thơ, có duyên với rau đắng đất vì đã từng thương “rau đắng mọc sau hè”, rồi nhờ đó được biết bài thơ này của Nguyệt Lãng. Xin chia sẻ chút duyên này với bạn đọc, để biết đâu duyên lại tạo duyên? mlefood Home Tiếng Việt Việt Nam V: Bánh Mặn
Home Quyến Rũ Bún Ốc Hà Thành October 4, 2024 Cùng thưởng thức tuyệt phẩm Hà Thành: bún ốc nguội và bún ốc nóng. Read More
English Japan Fans: Uchiwa – Sensu – Tessen March 8, 2024March 8, 2024 Let’s explore the impressive uchiwa, sophisticated sensu and deadly tessen. Read More
English Kaiseki: A Life-changing Experience December 20, 2024 An unforgettable journey through the world of kaiseki. Read More