Cầu Yêu ở Chùa Thanh Thủy Kiyomizu-dera mlefood, February 23, 2024 Table of Contents Toggle Chùa Thanh Thủy Kiyomizu-deraĐường Lên Chùa: Vài Nơi Thú Vị Về sự huyền diệu và tình yêu ở chùa Thanh Thủy… Chùa Thanh Thủy Kiyomizu-dera Trong các chùa tôi đã thăm viếng ở Kyoto, Kiyomizu-dera ghi dấu ấn đậm nét trong ký ức nhờ phong cách ngoạn mục và sự đặc biệt của chùa. Chùa nằm trên núi Otowa phía đông thành phố Kyoto. Núi khá cao, bạn phải đi bộ qua một con đường dài cùng những bậc tam cấp đá tảng trước khi tới được… cổng chùa, sau đó tiếp tục… leo. Điều an ủi là bạn sẽ không thấy nhàm chán tí nào vì hai bên đường đầy các hàng quán bán đồ ăn và quà lưu niệm. Bạn cũng sẽ không thấy cô đơn vì con đường luôn nườm nượp người qua lại, cả du khách lẫn người Nhật. Theo truyền thuyết, chùa lập ra từ thế kỷ 8. Thầy Kenshin, sau đổi tên thành Enshin, đang tu ở Nara thì nằm mơ thấy thần báo mộng về một nơi đất thiêng. Đi theo hướng thần chỉ về phía Kyoto, thầy gặp một dòng thác tinh khiết trên núi Otowa. Ẩn sĩ Gyoei đang tu tập gần đó cho thầy một thân gỗ quý và khuyên thầy tạc tượng Quan Thế Âm để thờ, sau đó ông ra đi. Enshin cư ngụ tại nhà tranh của ẩn sĩ, ngày ngày tạc tượng Phật bên thác. Thác thiêng Otawa I Boho Travelogue, “Kiyomizu-dera temple in autumn”, YouTube Vài năm sau, hiệp sĩ Tamuramaro đi săn hươu trong núi gặp Enshin. Cảm động trước sự kiên trì của ông, hiệp sĩ và vợ giúp Enshin xây ngôi chùa thờ Phật Quan Âm năm 778. Chùa lấy tên “kiyomizu”, có nghĩa “nước tinh khiết’ như nước của dòng thác, tiếng Hán – Việt là “thanh thủy”. Đọc đến đây, trí tò mò chắc đang giật góc áo, nhắc bạn hỏi tôi đã thấy pho tượng Phật thiêng liêng tồn tại hơn một ngàn hai trăm năm đó chưa? Xin thưa là chưa. Tượng Phật nằm trong một gian thờ riêng biệt trong sảnh chính, và quanh năm cửa đóng then cài. Mỗi năm gian thờ chỉ mở cửa một tuần trong tháng 8 cho khách hành hương chiêm bái Phật. Tôi thăm Nhật vào đầu mùa hoa đào (tháng 3) nên lỡ mất cơ hội hiếm có. Nhưng tôi có thể kể bạn nghe về đài ngắm cảnh tại sảnh chính, một kỳ quan ít gặp. Đó là một kiến trúc bằng gỗ cheo leo ngoài vách núi mà không hề có một cây đinh nào (rất may khi viếng chùa tôi chưa biết điều đó, nếu không thì… cũng hơi run). Tôi đã đứng hàng giờ trên đó mà vẫn an toàn, nên bạn cứ yên tâm viếng chùa. Tuy nhiên tôi không bảo đảm nếu làm theo câu thành ngữ Nhật “nhảy đài chùa Thanh Thủy” thì bạn sẽ ra sao. Thiệt ra câu này chỉ ngụ ý khen ai đó có một quyết định táo bạo, chứ không khuyên bạn nhảy thật đâu. Đài ngắm cảnh chùa Kiyomizu-dera @ worldhistory.org Đài ngắm cảnh, xây trong lần đại trùng tu năm 1633, là một sàn gỗ bách tựa trên những cột gỗ lớn sẫm màu thời gian. Rộng khoảng 300 mét vuông và nằm chênh vênh bên vách núi, đài nhìn ra khung cảnh bao la bạt ngàn cây lá, xa xa là Kyoto cổ kính yên bình. Đứng trên đài, bạn sẽ thấy dưới chân mình bồng bềnh đám mây anh đào hồng phơn phớt vào mùa xuân, và cây lá xanh ngút ngàn vào mùa hè. Mùa thu, núi Otowa đầy sắc đỏ – vàng – cam tươi thắm trước khi chuyển sang màu trắng tinh khiết của mùa đông. Chùa Kiyomizu-dera mùa thu I Kyoto Walking Entertainment, “Autumn leaves at Kiyomizu-dera”, YouTube Đền thờ ẩn sĩ Gyoei ẩn mình lưng chừng núi. Trước đền có đài hứng nước thiêng Otowa no taki. Nước từ trên thác xuống được dẫn thành ba dòng chảy róc rách êm tai. Người Nhật tin uống nước thiêng sẽ được phù hộ, và nước từ mỗi dòng độ trì cho một lĩnh vực khác nhau. Đứng từ phía trong đài nhìn ra, từ trái qua phải lần lượt là sức khỏe, tình yêu, và công danh. Nhưng mỗi lần cầu bạn chỉ được uống một dòng thôi. Trời phật không khuyến khích tham lam, nếu uống hai dòng thì linh nghiệm giảm đi một nửa, còn uống cả ba thì… hết thiêng. Đền Otowa no taki, nơi hứng nước thiêng @ Japantravel.com Nếu uống nước thiêng xong vẫn chưa thấy tự tin, nhất là về tình yêu, hãy tới thăm đền Jishu thờ Okuninushi no Mikoto – thần Tình Yêu của Nhật. Đền nằm gần chùa và tồn tại từ trước khi chùa được xây. Đừng ngạc nhiên khi thấy một cô gái nhắm mắt bước từng bước một từ tảng đá này sang tảng đá kia trong sân đền. Nếu cô ấy thành công chạm vào tảng thứ hai, thần sẽ giúp cô tìm thấy tình yêu đích thực. Hẳn thần Tình Yêu đang tủm tỉm cười, chẳng phải thần đang nhắc nhẹ con người “muốn yêu thì phải… nhắm mắt, đừng tỉnh táo quá” đó sao? Đền Jishu và hai hòn đá tình yêu I Miyako from Japan, “Kiyomizu-dera”, YouTube Chùa Thanh Thủy có một vị Trụ Trì đặc biệt. Thầy Ryokei Onishi luôn theo đuổi ước nguyện từ bi của Phật Quan Âm và chủ trương đạo Phật nhập thế. Trong cuộc đời dài 109 năm, Thầy đã dành nhiều thời gian lập nhà dưỡng lão cho người già, dưỡng đường cho trẻ em và giúp đỡ nạn nhân thiên tai. Có lẽ chính nhờ đức độ của Thầy mà sức mạnh thiêng liêng của Kiyomizu-dera được người Nhật tin tưởng. Đường Lên Chùa: Vài Nơi Thú Vị Sau khi đôi chân bạn đã đi bộ mỏi nhừ thì ta cũng nên cho chúng nghỉ ngơi chứ nhỉ. Quán cà phê Starbucks trên đường lên chùa Ninenzaka là nơi phù hợp để nghỉ chân, nhân tiện uống cà phê sô cô la trắng tuyệt ngon. Còn “ngon lành” hơn nữa là bạn được ngồi chiếu tatami trong một ngôi nhà truyền thống Nhật mà uống cà phê chớ không phải trà, đây mới là chuyện khó gặp cho một du khách, đúng không? Cà phê Starbucks trên đường Ninenzaka @ kanpai-japan.com Bảng hiệu nàng tiên cá của Starbucks tiệp với màu vàng đất của tường nên không dễ thấy. Đây là quyết định khôn ngoan của Starbucks vì vừa hài hòa với môi trường cổ kính xung quanh, vừa… giảm bớt khách vì quán thường xuyên hết chỗ ngồi. Nếu bạn lỡ đến vào giờ đông khách, cứ mua một ly cà phê bạn thích và thong thả ngắm khu vườn thiền nhỏ bé của quán trong lúc đứng chờ. Có lẽ bạn sẽ chiêm nghiệm ra chút gì đó trong cách người Nhật tiếp thu lối sống phương Tây. Sau khi nạp năng lượng bằng cà phê, hãy ghé thăm bảo tàng Kiyomizu trên đường Sannenzaka. Bảo tàng tư nhân bề ngoài giản dị này sở hữu bộ sưu tập hàng thủ công mỹ nghệ Nhật thế kỷ 19 đẹp đến kinh ngạc. Ngay cả loại “cưỡi ngựa xem hoa” như tôi cũng phải trầm trồ trước những đồ vật hài hòa và hoàn mỹ đến từng chi tiết nhỏ. Các hình chạm, khắc, khảm hay thêu sống động đến nỗi bạn có cảm giác chúng chỉ đang chờ bạn chớp mắt một cái để thay đổi động tác. Hộp mực thế kỷ 19 @ Kiyomizu Sannenzaka Museum Giờ chắc bạn đã đói bụng lắm rồi? Tôi cũng vậy. Dễ thôi, quán ăn trưa Otowa Saryo chỉ cách cổng chùa vài trăm mét. Quán nằm trong một ngõ nhỏ tĩnh mịch, hàng hiên rộng và cửa kính sát nền nhà tạo không gian thoáng đãng. Lần này tôi không dám “hành hạ” bạn ngồi chiếu tatami mà sẽ có bàn cao và ghế nệm có lưng dựa. Trước khi lên chùa nhớ ghé quán đặt bàn trước cho khỏi đợi. Thực đơn của quán không nhiều món nhưng đều là món đặc trưng của Kyoto. Nếu đang rất đói, bạn cứ gọi ngay Otowa bento, gồm món khai vị, cá sống sashimi, đồ chiên tempura, hải sản nướng, cơm và canh miso trắng. Tất cả đựng trong dĩa và chén gốm xinh xắn làm tại cố đô. Nhìn có vẻ ít nhưng nếu ăn chậm nhai kỹ để thưởng thức hương vị Kyoto, chắc chắn bạn vừa no bụng vừa hài lòng sau khi ăn. Nếu bạn đi hai người và không đói lắm thì có thể gọi chung một mì soba với tempura và chín món phụ. Mỗi món ăn kèm mang lại cho mì soba một hương vị riêng, tức bạn có thể ăn mì “mười vị”. Còn những món hay ho khác nữa nhưng tôi phải để cho bạn tự khám phá thôi. Mì soba tại quán Otowa Saryo I Sun or Rain, “Lunch at Otowa Saryo”, YouTube Ngồi trên hiên quán, tận hưởng ánh nắng mặt trời ấm áp trong không khí lành lạnh của những ngày đầu xuân ở Kyoto, tôi thấy lòng thật êm đềm. Sự từ bi của Phật Quan Âm và đức độ của vị trụ trì đã tạo nên một tình yêu bàng bạc dịu dàng quanh đây khi bạn lắng lòng để cảm nhận. Tôi không cầu gì ở chùa Thanh Thủy, nhưng trong vô thức, có lẽ tôi đã cầu được yêu thương. mlefood Home Nhật Tiếng Việt Nhật: Phong cảnh
English Hot Rice, Cold Rice January 12, 2024 Hot rice, cold rice, and steamed food in rice, have you ever heard of them? Read More
Home Vương Quốc Bánh Căn November 29, 2024November 29, 2024 Bạn có biết “vương quốc” bánh căn không? Read More