Chùa Rêu Saiho-ji: Trái Tim Xanh mlefood, August 23, 2024 Table of Contents Toggle Về Chùa RêuHồn mãi xanh rêu… Thiên nhiên và thời gian đã phối hợp nên một tuyệt tác: Chùa Rêu. Về Chùa Rêu Kyoto có một ngôi chùa độc nhất vô nhị: Chùa Rêu. Thiệt ra tên chính thức của chùa là Saiho-ji, tiếng Việt là Tây Phương Tự, còn biệt danh của chùa mới là Koke-dera, tức Chùa Rêu. Danh xứng với thực, phần lớn vườn chùa phủ đầy rêu xanh. Chùa được lập vào thế kỷ 8, sau đó bỏ hoang một thời gian dài đến khi được trùng tu vào thế kỷ 14. Chùa trở nên hoang phế sau nội chiến thế kỷ 15 và chịu hai trận lụt lớn vào thế kỷ 19. Họ hàng nhà rêu vui vẻ cư trú ở đây và ngày càng sinh sôi nảy nở. Khoảng giữa thế kỷ 20, chùa được tu bổ lại và các tu sĩ quyết định duy trì vườn rêu trăm năm tuổi đời như một phần phong cảnh của chùa. Một quyết định rất sáng suốt để giờ đây ta có dịp thưởng lãm một tuyệt tác của thời gian. Hơn 120 loại rêu có mặt nơi này. Từ thảm rêu mịn màng xanh mượt như nhung đến loại rêu lá kim trông như những ngôi sao tí hon run rẩy cánh, phát ra ánh sáng huyền hoặc xanh thẫm. Rêu mọc trên đất, trên đá, trên cả thân cây khô nứt nẻ già cỗi. Hết sức tự nhiên, rêu phối hợp với vườn và đá dưới bàn tay nghệ thuật của tạo hóa. Rêu lá kim I JIBTV, “The alluring beauty of Japanese gardens”, YouTube Thiền sư Muso Soseki, người thiết kế vườn cho chùa vào thế kỷ 14, hẳn sẽ rất kinh ngạc khi nhìn thấy vườn rêu. Thiết kế nguyên thủy của ông là vườn đá theo phong cách thiền, và Chùa Rêu là nơi đầu tiên ở Nhật có vườn kiểu này. Vườn có lối đi quanh co dọc theo bờ một cái ao lớn mang tên Ao Vàng. Tuy vậy hình dáng ao không phải đĩnh vàng mà là chữ “tâm”. Bạn đừng vội suy luận “tâm” thành hình trái tim nhé, vì chữ “tâm” trong tiếng Nhật là như vầy: 心 (kokoro). Trông lại hơi giống đĩnh vàng nhỉ. Ao cũng không trải rộng mà uốn lượn qua ba hòn đảo nhỏ hình dáng kỳ lạ giữa hồ có tên “Bình Minh”, “Hoàng Hôn” và “Sương Mù”. Vài cây cầu đá nho nhỏ bắc từ bờ ra đảo hoặc nối hai bờ. Bờ ao nhấp nhô cao thấp khác nhau, có nơi thoai thoải xuống mặt nước, có nơi dựng đứng như tường thành, có nơi đột ngột nhô lên một mô đất gồ ghề. Rêu và nước I JIBTV, “The alluring beauty of Japanese gardens”, YouTube Để bảo vệ sự thanh tịnh, Chùa Rêu chỉ mở cửa “he hé” cho du khách. Bạn phải đăng ký trước ít nhất hai tháng, và mỗi tài khoản đăng ký nhiều nhất hai người. Tùy theo số du khách chùa sẽ cho bạn biết ngày giờ xác định để thăm chùa. Số khách chùa chấp nhận mỗi ngày khá ít và vào giờ giới hạn để không làm ảnh hưởng đến các thầy thanh tu. Một thử thách khác là khách được mời chép Tâm Kinh trước khi thăm vườn. Tôi đã vượt qua thử thách đầu tiên, nên không ngại đương đầu với thử thách thứ hai. Hồn mãi xanh rêu… Tôi thăm chùa Rêu vào một buổi chiều đầu xuân. Nắng vàng ấm áp trải trên lối đi lát đá từ cánh cổng đơn sơ đến chánh điện. Khách được mời rẽ phải, ngang qua hồ sen nở hoa thơm ngát rồi bước vào bên hông chánh điện. Đây là nơi chép kinh, trong phòng các án gỗ thấp sơn đen trên thảm đỏ lặng lẽ trầm tư. Giấy chép kinh trắng mờ in nhạt 49 chữ Hán của Tâm Kinh. Chúng tôi chỉ cần dùng bút lông đen đồ lại chữ. Người hướng dẫn cho biết giấy chép được tụng kinh cầu phước sáng nay. Sau khi hoàn tất, chúng tôi có thể đem kinh về nhà hay tặng chùa để đốt trong lễ cầu an. Khi tôi hỏi vì sao chọn Tâm Kinh, câu trả lời đơn giản và thuyết phục: Tâm Kinh ngắn, dễ chép, và nói lên trái tim an nhiên và từ bi của Đức Phật, là bản kinh sâu sắc nhất trong tất cả các kinh. Chép Tâm Kinh I Rediscover Tours, “Kokedera”, YouTube Chép kinh xong, lòng tôi an yên hơn. Bước ra vườn, tôi thả bước trên con đường nhỏ quanh co dưới bóng cây mát rượi. Hai bên đường rêu nhấp nhô xanh rờn, đôi chỗ chợt vàng óng lên dưới nắng. Rêu không chỉ xanh bờ, rêu xanh cả đáy ao dưới làn nước trong vắt. Thi thoảng một chú họa mi sà xuống đậu trên cành, cất tiếng hót trong trẻo. Vài thân cây nghiêng mình thả cành xuống mặt ao như muốn chạm vào nước. Vườn rêu I JIBTV, “The alluring beauty of Japanese gardens”, YouTube Bỗng mây che mặt trời, nắng biến mất như chợt nhớ ra trò chơi trốn tìm. Mưa rơi lất phất. Rêu chuyển sang màu xanh đậm, nhẹ nhàng hân hoan. Không khí trầm lặng thâm u. Một chiếc thuyền gỗ đậu hờ hững bên bờ ao hiện ra trước mắt. Phong cảnh này, cảm giác này tôi đã cảm nhận ở đâu đó. Có phải trong lời thơ “Thu điếu” của Nguyễn Khuyến: “Ao thu lạnh lẽo nước trong veo, Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo, Sóng biếc theo làn hơi gợn tí Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo.” Ao Vàng I JIBTV, “The alluring beauty of Japanese gardens”, YouTube Mưa xuân đến nhanh và đi cũng nhanh. Nắng trở lại, âu yếm sưởi ấm lá và chọc ghẹo rêu. Rêu bình thản ôm đá và đất trong vòng tay mát mẻ an nhiên. Gió ghé thăm, lướt nhẹ qua cành làm xao xác lá. Một bài hát năm xưa bỗng ngân nga trong tôi: “Hỏi đá xanh rêu bao nhiêu tuổi đời, Hỏi gió phiêu du qua bao đỉnh trời…” (“Lệ đá”, nhạc Trần Trịnh, thơ Hà Huyền Chi) Khoảnh khắc ấy thật đẹp mà cũng thật mơ hồ, luôn là “một thoáng nhớ mong manh” trong tâm tưởng. Chùa Rêu nhỏ và bình dị, sao cứ làm tôi vương vấn? Hay là cái giây phút ấy, khi tôi không còn là tôi mà đã hòa lẫn cùng đất, đá, nắng, gió và rêu, khi tôi cảm thấy biết ơn vô hạn vì nhiều cơ duyên đã giúp tôi có mặt đúng vào giây phút ấy, đã làm tôi nhớ mãi không quên? Trong khung cảnh thanh vắng của Chùa Rêu, tôi đã tiếp xúc trọn vẹn với thiên nhiên, cảm nhận sự bình yên tuyệt đối làm thay đổi linh hồn tôi mãi mãi. mlefood – Minh Lê Home Nhật Tiếng Việt Nhật: Phong cảnh
Home Ba Món An Lòng bí mật November 3, 2023June 26, 2024 Hãy cùng khám phá ba món an lòng bí mật được người dân địa phương yêu thích nhưng thế giới hiếm người biết đến. Read More
Home P2 Ai ăn Chè Bột Khoai Bún Tàu … September 22, 2023October 8, 2023 Hãy chiêm ngưỡng phiên bản khai hoang cùng tiếng rao hàng da diết của chè bột khoai. Read More
English Three Secret Comfort Food November 3, 2023November 10, 2023 Let’s uncover three hidden gems of world cuisine, the comfort food loved by their own people, but barely known by outsiders. Read More