Cơm: Thành ngữ và Tục ngữ mlefood, January 5, 2024June 27, 2024 Table of Contents Toggle Thành ngữ về CơmTục Ngữ về Cơm Thành ngữ và tục ngữ “cơm” diễn tả cuộc sống Việt ra sao? Thành ngữ về Cơm Đố bạn người Việt thường nói danh từ nào nhiều nhất trong đời sống hàng ngày? Hình như chưa có dự án nào nghiên cứu chuyện này, nhưng có lẽ một trong các ứng cử viên sáng giá nhất là từ “cơm”. Trước hết, ba bữa ăn hàng ngày người Việt đều gọi là “bữa cơm”. Cũng đúng thôi, 90% bữa ăn của người Việt đều có cơm, 10% còn lại thế nào cũng dính dáng tới gạo như bún, bánh tráng, bánh canh, bánh phở, bánh bèo, bánh xèo, bánh ướt, v.v. Nên “giờ ăn” đổi luôn thành “giờ cơm” cho tiện, hỏi ai ăn gì chưa thì cứ nói luôn “ăn cơm chưa?”. Quá thoải mái cho người nước ngoài học tiếng Việt, miễn là họ thích từ “cơm”. Từ lóng liên quan tới “cơm” phức tạp hơn một chút. Đi “kiếm cơm” không phải đi tìm chỗ có cơm mà là đi làm việc để có tiền sống. Bạn sẽ hỏi, vậy không phải “kiếm tiền” à? Ồ không, “kiếm tiền” thì tiền đó có hay không cũng được, nhưng nếu không “kiếm cơm” thì bạn sẽ đói, sẽ nghèo tới nỗi “đến cơm cũng không có mà ăn”. Phơi thóc sân đình I Vietnam ShihYi, “The journey of rice”, YouTube Nếu ai đó gọi bạn là cái “cần câu cơm” thì xin chúc mừng, vì bạn là người mang tiền, à quên mang cơm về nuôi cả gia đình. Ngược lại, nếu bị mắng là “giá áo túi cơm” thì buồn một xíu, có vẻ bạn quá lười biếng, chỉ biết ăn và ngủ. Nhưng này, còn vài kiểu tệ hơn. Bạn có thể là kẻ “no cơm rửng mỡ”, luôn giở trò quấy phá trêu chọc người khác khiến ai cũng ghét cay ghét đăng. Hay là loại “cắn hột cơm không vỡ”, keo kiệt bủn xỉn tới mức không nỡ cắn vỡ hột cơm. Cơm trong ngôn ngữ cũng có nhiều “vị”. Trong truyện cổ tích Tấm Cám, cô Tấm nhịn ăn đem “cơm vàng cơm bạc” nuôi cá bống. Tấm chỉ nói quá lên một chút để cá hiểu cơm của cô quý như vàng như bạc vì chứa cả tấm lòng, chứ chẳng phải Tấm được Bụt cho nồi cơm thần thật sự nấu ra cơm vàng cơm bạc đâu nha. Tội hơn nữa, cô bị dì ghẻ ghét bỏ nên thường phải ăn “cơm thừa canh cặn”, thứ người khác ăn xong để lại. Nếu có ai rủ đi “ăn cơm chùa”, chớ nghĩ rằng họ đang rủ bạn ăn chay hay lên chùa ăn cơm. Bạn sẽ được dẫn tới một chỗ nào đó để ăn đồ ngon mà không phải trả tiền, cũng không tốn mồ hôi nấu nướng. Vốn chùa ở Việt Nam thường dọn cơm cho người qua đường ăn tự do nên “cơm chùa” lãnh luôn ý ngầm “không phải trả tiền”. Chùa Thiên Mụ, Huế I TRT Tube, “Tiếng chuông Thiên Mụ”, YouTube “Cơm chim” không phải cơm nấu với thịt chim, mà là cơm cho chim ăn. Chim mổ từng hột, nên cơm chim khá ít. Kẻ “ăn cướp cơm chim” tất nhiên không dại gì đi nhặt từng hột cơm của chim, mà là trắng trợn ăn cướp những thứ nhỏ nhặt của người không có khả năng tự vệ. Bữa cơm Việt Nam luôn có canh đi với cơm, và có một loại canh đặc biệt, đó là “nước mắt chan cơm”. Nghe là đủ hình dung một người đang buồn thúi ruột với nỗi đau gì tấm tức lắm đây, đến nỗi cứ khóc không dừng được. May mà người đó còn cố ăn cơm, nếu tới giai đoạn “bỏ cơm” thì nguy rồi, coi bộ họ hết muốn sống. Nếu cứ tiếp tục như vậy thì ngày nào đó gia đình họ sẽ phải “cúng cơm” – đặt các món ăn lên bàn thờ cho người đã ra đi qua thế giới khác. Cúng cơm I Long Khánh quê em, “Đám giỗ miền Tây”, YouTube Hóa ra từ “cơm” không chỉ tả thức ăn, “cơm” còn nhiều ẩn ý cả nghĩa đẹp lẫn nghĩa xấu, tùy theo thành ngữ và… tâm trạng. Thành ngữ với cơm còn vô số, nhưng tôi không dám kể hết ra đây chỉ e có bạn lại chê “no cơm ấm cật”. Tục Ngữ về Cơm Nếu thành ngữ “cơm” giống một người bạn thông minh và dí dỏm thì tục ngữ “cơm” như một người thầy khôn ngoan và thực tế. Cơm và mắm là cặp bạn bè thân thiết. Mắm có thể là nước mắm, mắm ruốc, mắm tôm, mắm cà, mắm cá, v.v. Mắm thường mặn, nên ăn cơm mà tham nhiều mắm thì có cơ dư mắm, hay cố ăn thì sẽ khát nước. Vì vậy người Việt có câu tục ngữ “liệu cơm gắp mắm”. Nhưng hãy cẩn thận! Nếu có người nói với bạn câu này, người ấy không có ý sợ bạn khát nước vì ăn nhiều mắm mà đang nhắc khéo bạn giữ thăng bằng giữa thu nhập và chi phí, giữa khả năng và tham vọng. Tục ngữ: “Liệu cơm gắp mắm” I Tú Lê miền Tây, “Mắm cá lóc chưng thịt”, YouTube Cơm nhà đa số là ngon, và bạn muốn được ăn cơm nhà thì phải làm việc nhà, đúng không? Đây là kiểu “suy ra” cơ bản chúng ta được dạy từ hồi bé tí. Nhưng có vài người quên mất quy tắc đó, cứ thích “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Thực ra họ không rảnh tới mức vác cái tù và đi lông nhông ngoài đường (tù và: nhạc cụ truyền thống làm bằng sừng trâu, sừng bò, ngà voi hay vỏ ốc) Tuy vậy họ đủ rảnh để xen vô chuyện người khác. Nếu nghe mẹ bạn ca cẩm, bạn biết ý bà là gì rồi chứ: bạn đang mải làm chuyện bao đồng! Đôi khi tục ngữ về “cơm” rất nhân đạo bằng cách đưa ra hình ảnh vừa gần gũi vừa dễ hiểu. Ví dụ, “nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm”. Tuy có lúc nhà sạch chưa chắc đã mát vì thiếu… quạt máy hay máy lạnh, bát sạch chưa chắc ngon cơm vì thiếu… đồ ăn, nhưng nói chung câu này ý tứ rõ ràng thành thật, không ẩn ý gì. Bữa cơm gia đình I Đặc sản miền sông nước, “Ngon lành những đọt rau quê”, YouTube Các cô gái sắp đi lấy chồng, hoặc đã lấy chồng thường được khuyên: “cơm sôi bớt lửa, chồng giận bớt lời”. Tôi tự hỏi câu tục ngữ này liệu còn áp dụng trong thời buổi hiện đại khi mọi người đều nấu cơm bằng nồi điện, và vợ chồng bình đẳng với nhau hay không. Nay cơm sôi không cần bớt lửa, vậy chồng giận nên bớt lời hay cứ cãi tiếp cho ra lẽ? Phe hiện đại đòi tranh luận đúng sai rõ ràng, còn phe truyền thống sẽ ráng nhịn lúc đang giận, đợi êm êm rồi nói tiếp. Bạn theo phe nào? Ruộng bậc thang mùa lúa chín ở Hà Giang I Hiếu Huỳnh, “Mùa vàng ruộng bậc thang”, YouTube Tôi muốn kết bài này không phải bằng thành ngữ hay tục ngữ (tôi biết bạn sắp nghe đến chán) mà bằng một câu thơ về cơm. Câu này vừa phải, không khó cũng không dễ, chỉ như nấu cơm thời xưa thôi: “Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt, Nghe tiếng cơm sôi đã nhớ nhà.” (“Giang hồ”, Phạm Hữu Quang) Người “chạy việc vặt” chuyên giải quyết những chuyện linh tinh, không quan trọng; “trộm vặt” ăn cắp những thứ vặt vãnh; và “giang hồ vặt” là kiểu đi chưa xa nhà mấy, cũng chưa lâu lắm. Xa nhà thì phải ăn “cơm hàng cháo chợ”, làm sao ngon bằng cơm nhà. Thế là một việc vặt như “tiếng cơm sôi” biến thành việc lớn: nỗi nhớ nhà ghê gớm. Thi sĩ có lẽ không chỉ nhớ nhà, mà nhớ cả cơm nhà, hèn chi chỉ dám “giang hồ vặt”. Nhiều người Việt thấy câu thơ trên quá hay và câu thơ còn nổi tiếng hơn cả thi sĩ. Giờ chắc bạn đã biết “cơm” quan trọng thế nào trong văn hóa Việt Nam. Lần tới nếu bạn muốn nói một điều gì đó thật ý nhị, thật thi vị, sao không thử nghĩ đến từ “cơm”? mlefood – Minh Lê Home Tiếng Việt Việt Nam V: Cơm- Cháo
Home P3 Cầu Tatsumi và Đá Vĩnh Cửu October 20, 2023October 18, 2024 Một cây cầu, một ngôi đền và một hòn đá: sự giao thoa giữa nghệ thuật, văn hóa và tín ngưỡng bên dòng Shirakawa. Read More
English Central: Fish Cake Soup & Hue-style Soups March 1, 2024March 22, 2024 How unique are the fish cake soup and Hue-style soups from the South Central? Read More
English Southern Beef Noodle: A Name Puzzle October 27, 2023October 27, 2023 Is Southern Beef Noodle a true innovation, or just a clever rebranding of an old recipe? Read More