Giấy Dó và Ước Vọng Hồi Sinh mlefood, November 1, 2024 Table of Contents Toggle Giấy DóGiấy Sắc, Giấy Điệp Ước Vọng Hồi Sinh Giấy dó là gì? Có phải giấy dó đang trở lại và lợi hại hơn xưa? Có một loại giấy Việt làm bằng tay rất nhẹ và bền, trải qua hàng trăm năm không ẩm mốc, không mục nát, chữ viết và tranh vẫn đẹp sắc sảo. Bạn có biết loại giấy đó không? Nó chính là giấy dó. Giấy Dó Làng An Cốc Hạ, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội còn lưu truyền câu ca dao tri ân Thái Luân – người phát minh cách làm giấy từ vỏ cây. Trong cuốn Bách Việt Tiên Hiền Chí (1554), sử gia Âu Đại Nhậm cho biết Thái Luân xuất thân từ tộc Bách Việt, làm quan triều Hán, có công làm ra giấy khoảng thế kỷ 2 sau Công nguyên (Trần Lam Giang dịch, Thư viện Việt Nam 2012, tr. 133) Sau đó có một người đàn ông đến chỉ dạy cho dân vùng Kẻ Cót và Kẻ Bưởi phía tây bắc thành Thăng Long làm giấy từ vỏ cây dó. Người đó dạy dân An Cốc Hạ làm giấy thô, sang Hồ Khẩu dạy giấy bản (giấy gói), đến Yên Thái dạy giấy lệnh (giấy sắc chỉ) và cuối cùng dạy họ Lại làng Nghĩa Đô làm giấy sắc phong. Chuyện được kể trong sách Các vị tổ ngành nghề Việt Nam (Lê Minh Quốc, NXB Trẻ 2009, tr. 94 – 95). An Cốc Hạ sau này gọi là làng Giấy, cây cầu gần làng được gọi luôn là Cầu Giấy. Làng giấy xưa ở Hà Nội I Zo project, “Lịch sử giấy Dó”, YouTube Cây dó giấy, tên chữ là thụy hương, mọc nhiều ở vùng thượng du và trung du Bắc Việt. Dó có lớp vỏ dày nhiều xơ dài và mịn. Phần sẫm màu ở ngoài bỏ đi, phần trong phơi khô, rửa sạch, ngâm với nước vôi loãng vài ngày. Rồi vỏ dó được nấu mềm trong nước vôi, giã nhỏ và gạn lọc nhiều lần để lấy phần bột mịn. Bột dó và nhựa thân cây mò được quấy đều trong nước. Nhựa cây mò giúp bột giấy mau đông và lưu giữ màu mực. Cây dó giấy I Vietnamese herbs, “Cây dó giấy”, YouTube Người thợ giấy dùng một mành nứa đan thật khít gọi là liềm seo lồng vào khuôn seo gỗ hình chữ nhật có kích thước bằng tờ giấy muốn làm. Họ nhúng khuôn vào nước dó, khẽ chao qua lại để bột dàn đều trên mành và đông lại. Liềm seo đặt lên mặt gỗ phẳng và nhẹ nhàng lột ra, để lại lớp giấy dó mịn màng, mỏng và dai như lụa. Giấy được ép cho ráo nước và tách tờ, phơi khô rồi xếp lại thành tập. Chuyện làm giấy dó nghe chừng đơn giản, nhưng thiếu kinh nghiệm và lòng yêu nghề thì tờ giấy làm ra không đạt chuẩn. Từ tỉ lệ nước vôi và thời gian nấu dó đến cách chao khuôn cho đều bột, tạo độ mịn và độ dày cho giấy, đều cần sự kỹ lưỡng và cẩn thận từng chút một. Mất một tháng công phu của những người thợ giấy để có tờ giấy hoàn chỉnh tính từ khi bắt đầu xử lý nguyên liệu. Khuôn seo và liềm seo I VTV4, “Nghề làm giấy sắc phong”, YouTube Trong cuốn Kỹ thuật của người An Nam xuất bản năm 1909, tác giả Pháp Henri Oger đánh giá giấy dó rất cao: “Chất lượng giấy của người bản xứ thuộc loại thượng hạng cho dù màu giấy hơi vàng và độ mềm của nó tạo cảm giác không tốt đối với người châu Âu không rành về giấy.” (NXB Thế Giới và Nhã Nam tái bản 2009, tr. 231) Ông dành nhiều trang và hình vẽ mô tả chi tiết quá trình làm giấy ở làng Yên Thái nằm cạnh Tây Hồ, tục gọi là làng Bưởi. Trong các làng làm giấy ở Hà Nội, Yên Thái nổi tiếng nhất với giấy dó chất lượng thượng hạng dùng ghi chiếu chỉ của vua thời xưa. Tiếng chày giã dó bập bùng từ Yên Thái lan xa trên mặt nước yên tĩnh của hồ Tây vào mỗi sáng sớm hay khi chiều muộn, đi vào ca dao thành bức tranh thủy mặc tuyệt đẹp: “Mịt mù khói tỏa ngàn sương, Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ.” Vùng quan họ Bắc Ninh từng nổi tiếng một thời với giấy dó sản xuất tại thôn Dương Ổ (còn gọi Đống Cao) và Đào Xá (còn gọi Điều Thôn) thuộc xã Phong Khê. Theo gia phả một gia đình theo nghề giấy nhiều đời ở Dương Ổ, nghề làm giấy nơi đây có từ thế kỷ 15. Giấy nằm trong quang gánh cô hàng xén mặc váy nâu mới, chít khăn mỏ quạ, miệng cười tươi tắn có mặt trên khắp các làng quê Bắc Việt. Với giá cả vừa phải, chất lượng tốt, giấy dó Phong Khê được thầy đồ và học trò xưa dùng ghi bài, chép sách, làm thơ. Giấy dó I VTV4, “Nghề làm giấy dó”, YouTube Giấy dó mộc mạc vàng nhạt, mềm như lụa, nhẹ như bông, trên mặt nổi rõ những đường hoa văn uyển chuyển tự nhiên. Giản dị và đẹp như tiếng lòng dịu dàng mà kiêu hãnh của cô gái làng giấy qua ca dao khiến các chàng thư sinh phải xao xuyến: “Mặc ai buôn vạn bán ngàn, Em nay làm giấy cơ hàn vẫn vui. Dám xin ai đó chớ cười, Vì em làm giấy cho người chép thơ.” Giấy Sắc, Giấy Điệp Ngoài loại thường dùng, hai loại đặc biệt nhất làm từ giấy dó là giấy sắc và giấy điệp. Giấy sắc dùng viết các sắc phong tước hiệu từ triều đình cho quan lại, hoàng tộc, tướng lĩnh và sắc phong thần cho các vị tiền hiền được thờ cúng trong đình, đền, chùa, miếu. Giấy sắc có chất lượng cao nhất trong các loại giấy dó, và chỉ vua mới có quyền sử dụng. Sắc phong được bảo quản tốt sẽ giữ nguyên nét mực sắc sảo, màu giấy tươi thắm, sớ giấy bền chắc dù trải qua vài trăm năm vật đổi sao dời. Một sắc phong ngày xưa I VTV4, “Nghề làm giấy sắc phong”, YouTube Tương truyền họ Lại làng Nghĩa Đô được chuyên trách làm giấy sắc cho triều đình từ thế kỷ 17 nhờ cụ tổ Lại Thế Giáp lấy con gái Chúa Trịnh Tráng. Bà Quận chúa đã xin Chúa cho dòng họ Lại độc quyền làm giấy sắc để tạo công ăn việc làm cho con cháu. Họ Lại liên tục giữ nghề này qua nhiều triều đại cho đến năm 1942 mới ngưng hẳn. Ngày nay cả dòng họ chỉ còn ông Lại Phú Thạch còn nhớ bí quyết xưa. Giấy sắc làm công phu hơn giấy dó thường. Sau khi giấy khô, nghệ nhân dùng chày gỗ đập đều trên mặt giấy cho thật bóng mịn, gọi là nghè giấy. Vì vậy tên nôm của Nghĩa Đô ngày xưa là làng Nghè. Giấy còn tẩm keo da trâu nhằm tăng độ dai và chống ẩm tốt hơn. Giấy phủ màu vàng tươi như da trái thị hay đỏ nhạt màu đồng chế từ vật liệu thiên nhiên như bột hoa hòe. Giờ đây giấy đã sẵn sàng chờ những nét vẽ tài hoa và tỉ mỉ tạo nên hình rồng quyền uy uốn lượn trong mây với sắc vàng lộng lẫy hay sắc bạc lấp lánh. Giấy điệp là giấy dó quét thêm một lớp hồ trộn vỏ con điệp. Chổi lá thông quét từng đường nhẹ nhàng trên giấy, vân giấy giữ lại những mảnh nhỏ li ti lấp lánh của vỏ điệp, vừa có sắc trắng mịn vừa ẩn hiện sắc màu của cầu vồng khi ánh sáng chiếu vào. Nghệ nhân tranh Đông Hồ, tranh vẽ dân gian của người Việt xưa, thường dùng giấy điệp cho những bức vẽ trang trọng treo ngày Tết. In tranh Đông Hồ trên giấy dó I VTV4, “Nghề làm giấy dó”, YouTube Ước Vọng Hồi Sinh Từ đầu thế kỷ 20, khi người Pháp bắt đầu lập nhà máy sản xuất giấy công nghiệp ở Việt Nam, giấy dó làm thủ công của người Việt dần dần vắng bóng. Đến đầu thế kỷ 21 thì các vùng trồng cây dó giấy trước đây đã không còn, người làm giấy dó chỉ còn lại vài nghệ nhân cao tuổi ráng giữ nghề vì tiếc cái nghề truyền đời chắt lọc bao nhiêu tinh hoa của tổ tiên. Giấy dó gần như đi vào quên lãng. Năm 2013, chị Trần Hồng Nhung lập dự án Zó Project mong bảo tồn và phát triển trở lại giấy dó Việt Nam. Dự án Zó như một hồi chuông trong trẻo đánh thức tình yêu và lòng trân trọng đối với giấy dó – một trong những sản phẩm thủ công độc đáo nhất của người Việt. Phát triển theo hướng bền vững và sáng tạo, Zó Project hỗ trợ bảo tồn vùng nguyên liệu và cải tiến kỹ thuật làm giấy dó, đồng thời tích cực tạo ra sản phẩm thủ công mỹ nghệ giá trị từ giấy dó phù hợp với cuộc sống hiện đại. Nhiều họa sĩ Việt cũng đang trở lại với giấy dó. Sau hơn 20 năm vẽ tranh trên giấy dó, họa sĩ Vũ Thái Bình coi giấy dó như người cộng sự thú vị và tinh tế vì mỗi bản giấy dó có đường vân và và độ dày mỏng khác nhau. Cảm nhận được linh hồn giấy và phối hợp với giấy, người họa sĩ mới vẽ nên bức tranh giấy dó làm rung động lòng người. Bướm từ giấy dó của Nguyễn Nam Sơn I VTV3, “Hô biến giấy dó”, YouTube Anh Nguyễn Nam Sơn lại đam mê việc xếp giấy origami bằng giấy dó. Những con thú anh làm rất đẹp và sống động. Quê anh ở Lương Sơn, gần xóm Suối Cỏ làm giấy dó của người Mường nên tình yêu giấy dó đến với anh một cách tự nhiên. Tác phẩm của Sơn giành nhiều giải thưởng quốc tế và được trưng bày trong các bảo tàng nghệ thuật ở Hàn Quốc, Tây Ban Nha và Mỹ. Tháng 5/2024, phường Bưởi (làng Yên Thái xưa) mở nhà trưng bày về làng nghề và cách làm giấy dó. Khách còn được trực tiếp làm giấy cùng các nghệ nhân, và tiếp xúc với các sản phẩm thủ công từ giấy dó như thiệp, sổ tay, quạt giấy, nón, lồng đèn, hộp trang sức. Nhà trưng bày về làng nghề và cách làm giấy dó I Hồng Ngọc @ laodongthudo.vn Ước vọng hồi sinh giấy dó cần sự ủng hộ của thế hệ trẻ – người quyết định tương lai giấy dó. Hồi sinh giấy dó không chỉ để bảo tồn kinh nghiệm quá khứ mà còn là thay đổi cần thiết hướng đến một thế giới sống chậm và bền vững. Mong giấy dó sẽ tiếp tục quyến rũ và truyền cảm hứng cho những người yêu quý sản phẩm thủ công độc nhất vô nhị này của đất Việt. mlefood – Minh Lê Home Tiếng Việt Việt Nam V: Văn hóa
Home Cơm: Gạo Ngon và Thơ November 10, 2023January 5, 2024 Bạn có biết bí quyết nấu cơm ngon nằm trong cách chọn gạo ngon và một… bài thơ? Read More
Home Rau Càng Cua và “Vườn Xưa” September 20, 2024September 20, 2024 Giữa “vườn xưa” có cây rau càng cua mảnh mai đón mưa rơi và kể chuyện tình xưa… Read More
Home Ký sự Bánh Xèo Hàn – Đài – Nhật March 22, 2024July 18, 2024 Hãy dấn thân vào cuộc phiêu lưu nếm bánh xèo, nơi mỗi miếng bánh kể một câu chuyện… Read More