Nhật: Món May Mắn cho Năm Mới mlefood, December 29, 2023 Table of Contents Toggle Kagami Mochi: Bình An và May MắnToshikoshi Soba: Trường ThọNanakusa Gayu: Năm Mới An Khang Ba món ăn may mắn không thể thiếu trong Lễ Năm Mới ở Nhật là gì? Kagami Mochi: Bình An và May Mắn Nếu bạn tới thăm nhà người Nhật vào Năm Mới, đừng ngạc nhiên khi thấy… hai cái bánh dày dùng làm đồ trang trí trên chiếc bàn nhỏ gần cửa ra vào hay trong tokonoma (hốc tường trang trí trong nhà). Chưa hết, trên bánh dày để một trái cam đắng Nhật, thêm một xâu hồng khô và mấy nhánh dương xỉ, rong biển và tảo bẹ. Các thứ này không phải để chơi cho vui, chúng có ý nghĩa sâu xa hết đó. Tên cam đắng trong tiếng Nhật đồng âm với “thế hệ”, ngụ ý con cháu đầy đàn. Hồng khô để lâu nên mang nghĩa sống lâu. Tảo bẹ và rong biển đồng âm với “niềm vui”, lá dương xỉ đồng âm với “tăng lên”. Đúng là không hẹn mà cùng ý tưởng với mâm ngũ quả “cầu dừa đủ xoài sung” trên bàn thờ ngày Tết miền Nam nước Việt. Kagami mochi trong chùa Nhật I NHK World, “Nun’s seasonal calendar”, 27 Dec 2022 Hai bánh dày thậm chí còn có tên riêng, người Nhật gọi chúng là kagami mochi – “bánh dày gương”. Gương ở đây không phải gương bình thường, mà là gương thần của Nữ thần Mặt Trời Amaterasu. Theo Thần đạo, tôn giáo xưa nhất ở Nhật, bà là vị thần linh tối cao và tổ tiên của thiên hoàng. Bà cho thiên hoàng đầu tiên ba báu vật: gương Trí tuệ Yata, kiếm Dũng Cảm Kusanagi và ngọc trai Nhân Từ Yasakani. Kagami mochi phỏng theo gương Yata, hy vọng được Nữ thần tới soi gương và phù hộ. “Một công đôi việc”, người Nhật còn dùng kagami mochi làm lễ vật dâng cúng Thần Năm Mới Toshigami, người sẽ tới “kiểm tra” các gia đình vào ngày đầu năm. Nếu có lễ vật, thần sẽ ban thưởng may mắn và hạnh phúc cho gia đình đó. Kagami mochi trắng và hồng I Nippon.com, “Pink and white kagami mochi: Kanazawa’s Different Take on a New Year’s Tradition”, YouTube Kích cỡ và màu sắc bánh mochi thay đổi tùy theo ý thích của gia chủ. Kagami mochi thường có màu trắng, nhưng ở vài nơi như Kanazawa miền Trung nước Nhật, người ta làm một bánh trắng và một bánh hồng theo phong tục từ thời Edo (1603–1868). Các siêu thị và cửa hàng tiện lợi đều bán kagami mochi làm sẵn cho người bận rộn. Tất nhiên bánh làm sẵn không ngon và đẹp bằng bánh nhà làm. Sau khi trưng bày khoảng nửa tháng, “gương” được “mở” vào ngày 11 tháng 1 – ngày karami biraki (mở gương). Bánh sẽ chia thành nhiều miếng nhỏ, nhưng không được dùng dao để tránh xui xẻo. Nếu bạn mạnh cỡ lực sĩ sumo, bạn có thể dùng tay để bẻ, nếu không thì nên xài một cái búa, vì bánh dày để lâu lúc trời lạnh khá cứng và chắc. Các miếng bánh dày thả vô nấu mềm trong chè đậu đỏ zenzai và canh gà ozoni. Trẻ em Nhật từ nhỏ đã ăn kagami mochi để cầu bình an và may mắn trong năm mới. Canh gà ozoni với kagami mochi I Yuraki’s kitchen, “How to make Japanese New Year dish”, YouTube Toshikoshi Soba: Trường Thọ Thời Kamakura (1185-1333), cả nước Nhật xôn xao vì tin đồn ăn bánh dày kiều mạch vào đêm Tất Niên sẽ may mắn cả năm. Tin truyền ra từ những người nghèo ăn bánh dày ở chùa Hakata miền Nam nước Nhật. Sang thời Edo (1603 – 1868), người ta không chỉ muốn may mắn mà còn ước được sống lâu nên thay bánh dày bằng mì kiều mạch soba. Tương tự người Hoa ăn mì trường thọ vào ngày sinh nhật, người Nhật ước cuộc đời họ sẽ dài như sợi mì soba, và họ sẽ tạm biệt mọi xui xẻo năm cũ khi cắt sợi mì bằng đũa. Nói chung là đàng nào cũng tốt, nên từ đó mọi người đều ăn một tô toshikoshi soba vào dịp Năm Mới. Toshikoshi soba chấm xì dầu I “Toshikoshi soba” @ livejapan.com Kỳ một nỗi, tuy toshikoshi soba có nghĩa “mì giao thừa”, nhưng người Nhật tuyệt đối không ăn mì vào lúc giao thừa. Đó là lúc 108 tiếng chuông của các chùa và đền sẽ vang vọng để tiễn đưa năm cũ và đón chào năm mới. Có lẽ ăn mì lúc đó hơi bất kính nên bạn phải ăn trước hoặc sau đó. Toshikoshi soba ăn lạnh hay nóng, có hay không có nước dùng? Người Nhật về khoản này rất thoải mái, ai muốn ăn cách nào thì ăn. Phiên bản lúc đầu chỉ là mì soba luộc lên chấm xì dầu, sau đó làm ấm bao tử bằng một ly trà nóng. Sau này vì tháng 1 ở Nhật đang giữa mùa đông, người ta nghĩ trời lạnh cần ăn mì nóng, nên thêm nước dùng nấu từ rong biển và cá ngừ khô, nấm hương, xì dầu, rượu sake, rượu ngọt mirin, đường và muối. Nước dùng phải ngọt một chút cho năm mới ngọt ngào. Ăn mì không cũng chán, vậy là thêm tôm tẩm bột chiên giòn và chả cá. Mỗi món đều ngụ ý tốt lành: tôm là sống lâu, còn cá là thịnh vượng. Toshikoshi soba với nước dùng I Chopstick Chronicles, “Toshikoshi soba”, YouTube Nanakusa Gayu: Năm Mới An Khang Quý tộc Nhật từ xưa đã có phong tục đi hái thảo mộc có ích cho sức khỏe vào mùa xuân tặng người mình kính trọng để cầu mong người đó khỏe mạnh và trường thọ. Người ta bằm nhỏ các loại rau cỏ này và nấu chung với cháo cho dễ ăn. Có chàng hoàng tử, sau này là thiên hoàng Koko (830 – 887), đã tức cảnh sinh tình sáng tác một bài thơ waka, kiểu thơ 31 âm tiết của Nhật: “Mong người khỏe mạnh an khang, Rau non ta hái, áo choàng tuyết rơi.” (Dịch từ bản tiếng Anh của Ad Blankestijn) Thiên hoàng Uda, con trai vị thiên hoàng thi sĩ trên, đã chọn ngày 7 tháng giêng âm lịch để ăn cháo thảo mộc nanakusa gayu cho giới quý tộc. Đến thời Edo, phong tục ăn cháo thảo mộc phổ biến khắp nước Nhật. Khi Nhật áp dụng dương lịch vào năm 1873, nanakusa gayu chuyển sang ngày 7 tháng 1 tây. Một bức tranh xưa về phong tục hái thảo mộc I JapaNina, “Nanakusa Gayu”, YouTube Không phải loại rau cỏ nào cũng dễ dàng chen chân vô món cháo gốc quý tộc này. Cháo chỉ gồm bảy loại rau sau: seri (rau mùi tây Nhật), nazuna (cỏ chăn cừu), gogyo (cỏ hương thảo), hakobera (cỏ xanh), hotokenoza (cỏ bồ đoàn), suzuna (củ cải cay) và suzushiro (củ cải trắng). Ngoài ra, muốn cháo có tác dụng, khi cắt rau bạn phải quay thớt về hướng may mắn của năm và cắt mỗi loại rau đúng bảy lần. Giờ đây, thần dân của thiên hoàng Koko muốn noi gương ngài làm thơ khi đi hái rau dại cũng khó vì các siêu thị và cửa hàng đều bán rau bảy loại đóng gói sẵn, chỉ cần đem về nấu cháo. Chuyện quay thớt về hướng may mắn và cắt bảy lần nay hiếm người nhớ. Tuy vậy, cháo thảo mộc nanakusa gayu vẫn là món người Nhật ăn vào ngày 7 tháng 1 hàng năm vì họ tin nó giúp thanh lọc cơ thể và đuổi đi khí xấu. Cháo thảo mộc Nanakusa gayu I JapaNina, “Nanakusa Gayu”, YouTube Người Nhật chào năm mới bằng những món ăn may mắn đầy ước vọng. Họ trang trí bánh dày kagami mochi để chia tay năm cũ và mời năm mới cùng vị thần mang may mắn và bình an vào nhà. Họ ăn mì kiều mạch toshikoshi soba để cắt đứt xui xẻo của năm cũ và sống lâu. Họ ăn cháo nanakusa gayu để dạ dày được thanh lọc sau bữa gà rán Giáng Sinh cùng các bữa tiệc linh đình của năm mới. Còn bạn thì sao? Bạn có món ăn may mắn và ý nghĩa nào để thưởng thức khi năm cũ kết thúc và năm mới bắt đầu không? Hãy khám phá và tận hưởng chúng. Chúc bạn ngon miệng! mlefood Home Nhật Tiếng Việt Nhật: Văn hóa
Home Cơm: Thành ngữ và Tục ngữ January 5, 2024June 27, 2024 Thành ngữ và tục ngữ “cơm” diễn tả cuộc sống Việt ra sao? Read More
Home Ký sự Bánh Xèo Hàn – Đài – Nhật March 22, 2024July 18, 2024 Hãy dấn thân vào cuộc phiêu lưu nếm bánh xèo, nơi mỗi miếng bánh kể một câu chuyện… Read More
English P3 Nem Nướng: Binh Dinh and Ninh Hoa August 18, 2023January 5, 2024 Binh Dinh’s grilled pork roll was a revelation. Khanh Hoa’s Nem Nướng was a marvel. Read More