Ớt Xanh và … Sóng Thần mlefood, July 26, 2024October 11, 2024 Table of Contents Toggle Ớt XanhVà… Sóng Thần Ớt xanh thì liên hệ gì với sóng thần? Mời bạn khám phá… Ớt Xanh Cuối năm 2017, cơn bão số 12 với sức gió giật cấp 13 tàn phá các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ. Giữa đống đổ nát tan hoang, vài ngày sau ở góc tường rào nhà tôi nhú lên một mầm cây xanh biếc. Chừng hơn tháng sau, các bông hoa trắng bé xíu e ấp nở giữa đám lá xanh um. Tôi mải lo dọn nhà cửa, khi chợt nhớ ra thì vô số trái ớt xanh nhỏ xinh đã nhú lên lặng lẽ trong nắng và gió. Thấy tôi đứng nhìn cây miết, cô hàng xóm nghĩ tôi gốc thành phố không rành bèn phổ cập kiến thức “nhà quê”: “Cây ớt xanh đó chị, ở đây kêu là ớt chim ỉa. Mọc tự nhiên thì tươi tốt, chỗ nào cũng được, hễ bứng về trồng chậu là chết liền. Trái the chớ không cay, chị ăn thử đi.” Nghe lời cô, tôi xin cây vài trái ăn cơm. Không cay xé như ớt đỏ hay cay nồng như tiêu, ớt xanh cay nhè nhẹ, hậu vị ấm áp còn mãi trong cổ. Nhờ Google, tôi biết ớt xanh còn có tên ớt xiêm xanh hay ớt rừng, mọc nhiều ở Trung Việt. Người nhà quê Trung Việt đã thân quen với ớt xanh từ lâu, bữa ăn thiếu vài trái ớt xanh là mất ngon. Ớt xiêm rừng I Hạt giống Thao Green shop, “Ớt xiêm rừng”, YouTube Từ sau khi muối ớt xanh nổi danh, cả Việt Nam biết tới ớt xanh, nhu cầu tăng lên ngày một. Rồi người ta cũng tìm được cách trồng ớt xanh thay vì phó mặc cho… chim, tuy ớt trồng không ngon bằng ớt mọc hoang. Muối ớt xanh là tuyệt tác ẩm thực trong mắt tôi. Lúc yên ắng thì xanh ngọc êm dịu, khi khuấy lên thì xanh ngát như lá non, màu muối ớt xanh tổng hòa sắc xanh đậm của lá chanh, xanh ngọc của cải, xanh lục bảo của ớt với màu trắng ngọc ngà của sữa. Lưỡi của bạn sẽ nếm trước vị ngọt ngào của đường, rồi chua thanh của chanh và tắc. Tiếp theo mặn mà của muối lên ngôi, nhanh chóng nhường chỗ cho vị cay the của ớt và lá chanh. Thoảng đâu đó chút béo của sữa và nồng của cải. Muối ớt chanh dịu dàng quyện chặt tôm nướng, sò nướng, ốc nướng, cá nướng, đưa hương vị món biển thăng hoa. Ngay cả hột vịt lộn cũng sẵn sàng chạy theo muối ớt xanh mà bỏ lại muối tiêu chanh đã chung thủy với mình vài thế kỷ. Muối ớt xanh I CKK, “Muối ớt xanh”, YouTube Lẩu gà ớt xanh kết hợp hương vị Trung – Nam. Mùi sả và lá chanh thơm ấm dễ chịu như nồi nước xông má nấu. Ớt xanh dịu dàng, hành phi nồng nàn. Nước lẩu mặn mà chua thanh. Gà mềm mại yêu kiều. Bông chuối trắng tinh, bắp chuối bào trắng muốt. Rau nhút xanh non, rau muống xanh rờn. Rau quế không thèm cạnh tranh sắc màu mà lặng lẽ tỏa hương. Nước lẩu ấm áp khiến rau mềm lại, cùng bún nhảy múa. Nồi lẩu gà ớt xanh giữa một ngày mưa bay lất phất là cảm hứng dạt dào cho các tâm hồn ẩm thực. Lẩu gà ớt xanh I Món ăn ngon, “Lẩu gà ớt hiểm”, YouTube Và… Sóng Thần Ai đã từng sống ven biển ắt có lần mơ thấy sóng thần. Từng cơn sóng ào ạt mạnh mẽ, cuốn phăng bất cứ thứ gì trên đường nó đi. Sóng thần là ác mộng của dân miền biển, vậy mà có một nhà thơ dám làm một bài thơ về sóng thần. Bài thơ bắt đầu bằng… giả thuyết: “Giả sử sóng thần ập vào Nha Trang Ập vào Mũi Né” Kiếu “giả sử” này rùng rợn quá, nhưng hãy bình tĩnh nghe tiếp: “Anh chỉ kịp quẳng em lên một chiếc thuyền thúng Vút qua những ngọn dừa Những đồi cát trắng” Ủa, đi “tị nạn” sóng thần thì ít ra phải có con thuyền chắc chắn cỡ thuyền của Nô-ê trong trận Đại hồng thủy theo truyền thuyết chớ? Tôi bèn nhờ anh Google đa tài tìm hiểu thuyền thúng. Té ra thuyền thúng rất phổ biến ở các làng biển miền Trung từ thế kỷ 19 đến nay, dùng đi biển gần bờ. Thuyền là một thúng tre đan đường kính cỡ hai sải tay, bịt lỗ bằng phân bò, quét thêm lớp dầu rái. Thuyền không thấm nước, nhẹ và bền, di chuyển bằng mái chèo. Chèo thuyền thúng không dễ như… ăn ớt xanh, không biết cách thì bạn chèo hoài mà nó cứ quay tròn tại chỗ không thèm tiến lên bước nào. Thuyền thúng I TH Nhân dân, “Thuyền thúng bập bềnh ký”, YouTube Thi sĩ chắc chắn là dân miệt biển miền Trung. Nếu sóng thần bất ngờ ập vào thì gần gũi nhất đúng là chỉ có thuyền thúng. Cô em của thi sĩ ngồi trong đó, trên ngọn sóng thần, nhìn phong cảnh quê hương thân thuộc lướt qua trước mắt: “vút qua những ngọn dừa, những đồi cát trắng”. Trong chuyến đi bất ngờ, hành trang của cô ấy có gì? “Em nhớ mang theo đôi quả trứng Vài nắm cơm Vài hạt giống Đừng quên mấy trái ớt xanh…” Nếu bạn phải xa quê không biết ngày trở lại, bạn sẽ đem theo cái gì? Chắc chắn là những gì thân thương nhất của quê nhà! Nắm cơm trong lá chuối cho đỡ đói nè, đôi quả trứng biết đâu sẽ nở ra gà con, vài hạt giống như thanh long, xoài, nho, dừa. Và đặc biệt nhất, “đừng quên mấy trái ớt xanh”, không thì ăn cơm mất ngon. Thế mạnh của thơ tự do là câu thơ dài ngắn, âm điệu trầm bổng tùy người viết. Những câu đầu tiết tấu dồn dập mạnh mẽ, âm trắc nhiều hơn âm bằng. Câu dài tám đến mười từ xen kẽ với câu ngắn bốn năm từ, như những đợt sóng cao vòi vọi giữa những đợt sóng thấp ào ạt khi biển nổi cơn thịnh nộ. Tôi đã từng ngắm biển lúc biển đang nổi giận, và nhận ra một vẻ đẹp hùng vĩ và bi tráng. Không ngờ lại có thi sĩ giúp tôi cảm nhận được vẻ đẹp ấy một lần nữa. Về cuối bài, nhịp thơ đã từ từ bình yên trở lại, nhiều câu ngắn hơn, âm bằng nhiều hơn làm câu thơ dịu dàng hẳn. Biển lặng sóng rồi, trở về nhà thôi! Biển Nha Trang một ngày mưa @ Từ Huỳnh Truyện cổ tích đời xưa thường kết thúc có hậu. Truyện đời nay cũng vậy, “ở hiền gặp lành” cuối cùng luôn là chân lý: “Biết đâu mai này Ta làm An Tiêm Trở về làng cũ Nơi này ta sẽ gọi là Nha Trang Nơi kia gọi là Mũi Né…” Thi sĩ kết thúc bằng một câu rất ngọt ngào, như lưỡi sóng dài âu yếm hôn bờ cát trắng: “Cho nên Sao chẳng sớm mà thương nhau hơn?” Bạn chớ lầm tưởng về cái ông thi sĩ này! Nãy giờ thấy thơ ổng giản dị rõ ràng, đùng một cái “người thơ” quăng cho mình một dấu hỏi to tướng, mà câu hỏi cũng toàn ẩn ý. “Thương” ở đây là người thương người, người thương cảnh, hay “cảnh” thương người? Rồi lý do gì để không thể “sớm mà thương nhau”? Một món ăn ngon không bao giờ đem lại cùng một cảm nhận với mọi người. Như muối ớt xanh chẳng hạn, tôi mê mẩn vị ớt, bạn thích vị lá chanh. Chúng ta cùng thấy nó ngon, nhưng mỗi người một cách. Theo suy nghĩ đơn giản của tôi, thơ cũng vậy. Nên câu đố hiểm hóc của thi sĩ, bạn tự giải đoán đi nhé! Nếu nghĩ hoài không ra, bạn có thể trực tiếp “chất vấn” thi sĩ: Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc. Nhớ nói tên bài thơ “Giả sử”. Có lần tôi ở trên xe chạy dọc theo quốc lộ 1A, nhìn những đọt dừa, đồi cát trắng, vườn thanh long, vườn xoài, … và biển xanh vút qua trước mắt. Trong khi ngắm những phong cảnh quen thuộc ấy sau một chuyến vắng nhà nhiều ngày, tôi đã tìm ra câu trả lời của tôi rồi! Ừ nhỉ, “sao chẳng sớm mà thương nhau hơn?” mlefood – Minh Lê Home Tiếng Việt Việt Nam V: Gia vị- Đồ Chua
Home Ngọc Ngà Bánh Đúc Vị Quê June 14, 2024 Cùng khám phá một linh hồn Việt ấm áp trong bánh đúc. Read More
English The Allure of Hanoi’s Chilled Snail Dip October 4, 2024 Savor Hanoi’s delights: chilled snail dip & hot snail noodle soup. Read More
English Crab Claw Herb and “Nostalgic Garden” September 20, 2024September 20, 2024 A slender crab claw herb in a nostalgic garden, whispering a love story in the rain… Read More