P1 Nhật: Konnichiwa! mlefood, September 1, 2023October 8, 2023 Table of Contents Toggle Cú sốc đầu tiên về văn hóa NhậtTiệc trên máy bay – từ lươn xông khói đến thạch trái cây Cú sốc văn hóa đầu tiên, ấn tượng ẩm thực đầu tiên và bí ẩn đầu tiên. Bạn có muốn biết tất cả “lần đầu tiên” của tôi về Nhật Bản? “Konnichiwa!” – Xin chào! Thẳng thắn mà nói, đây là từ Nhật duy nhất tôi biết trước khi khám phá vùng Kansai nước Nhật. Kansai là trái tim và linh hồn của Nhật Bản, nơi quá khứ và hiện tại cùng tồn tại một cách đồng điệu. Đó là nơi để bạn trầm trồ trước sự thanh lịch của geisha, dáng vẻ an tĩnh hùng tráng của đền chùa và nghệ thuật tinh tế trong món ăn cung đình. Kyoto cũng ở đó – cố đô xưa cũ mà mỗi góc phố đều ẩn giấu một di tích hay một bất ngờ về ẩm thực và vẻ đẹp Nhật Bản. Tôi đã sống 20 ngày đáng nhớ với những trải nghiệm sâu sắc về một nền văn hóa vừa quen thuộc vừa lạ lẫm. Bản đồ vùng Kansai, Nhật @ Wikipedia Cú sốc đầu tiên về văn hóa Nhật Ngay khi bắt đầu chuyến bay, chúng tôi đã kinh ngạc về phong thái lịch sự và kỷ luật của người Nhật. Họ xếp hàng trật tự như lính, nói chuyện nhỏ tiếng như ninja, còn trẻ em thì cư xử ngoan ngoãn như thiên thần. Ngạc nhiên lớn nhất xảy ra khi tiếp viên trưởng yêu cầu hành khách tự đóng cửa khoang hành lý. Kỳ lạ quá, tôi chưa bao giờ nghe yêu cầu này trên những chuyến bay khác nên rất hiếu kỳ về phản ứng của hành khách. Lần đầu tiếp viên nói tiếng Hà Lan (máy bay hãng KLM), vài người thực hiện. Lần thứ hai lặp lại bằng tiếng Anh, thêm vài người nữa. Lần thứ ba bằng tiếng Nhật, toàn bộ cửa khoang đều được đóng lại nhẹ nhàng cứ như có ma thuật. Trước sự hợp tác kỳ diệu này, bạn tôi đùa rằng chuyến bay của chúng tôi chắc chắn mang số hiệu DIY (do it yourself – tự làm) và hành khách sẽ tự lấy thức ăn và đồ uống trong khi phi hành đoàn đứng quan sát và cổ vũ. Thật tiếc, có lẽ hãng máy bay không kỳ vọng các hành khách khác cư xử được như người Nhật nên cuối cùng chúng tôi vẫn được các cô tiếp viên xinh đẹp phục vụ. Tiệc trên máy bay – từ lươn xông khói đến thạch trái cây Bữa ăn tối có hai lựa chọn: cơm gà Nhật hay bò và khoai tây. Nhớ câu thành ngữ khôn ngoan “nhập gia tùy tục”, chúng tôi chọn cơm gà Nhật ngay lập tức. Sushi lươn xông khói và bơ I Grand Fourwings Srinakarin, “Unagi Avocado Maki”, YouTube Món khai vị lươn xông khói rất độc đáo. Miếng lươn mềm mại như cá hồi, thoảng mùi khói và có vị umami. (Umami trong tiếng Nhật có nghĩa “đầy hương vị” nhưng tôi nghĩ chính xác hơn nó là “một hương vị bí mật giúp mọi thứ ngon hơn”). Nước sốt trông như xì dầu nhưng đậm đặc, thơm mùi mirin (rượu gạo của Nhật) và hơi ngọt. Không phải xà lách đi kèm mà vài miếng bơ xanh vàng ngậy, béo và tươi. Bơ tạo thế cân bằng rất dễ thương với lươn. Tổ hợp hai thứ tưởng chừng xa lạ hóa ra khá hài hòa. Nước xốt phối hợp tất cả mùi và vị thành một tổng thể lôi cuốn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khơi mở khẩu vị. Món khai vị thứ hai: mì soba lạnh với nori (rong biển khô) và nước chấm. Mì soba Nhật làm từ kiều mạch nguyên hạt, không chứa tinh bột, giàu đạm và khoáng chất. Ít món mặn trên thế giới được ăn lạnh nhưng mì soba hoàn toàn phù hợp. Sợi mì hơi lạnh mà không cứng, dai nhưng vẫn mềm. Mì soba lạnh I Soy and Pepper, “Zaru Soba | Cold Summer Noodles”, YouTube Rong biển khô có một tí mùi rêu, một tí mặn của biển. Nước chấm nhạt, mang vị cá nhẹ của dashi (nước dùng nấu từ rong biển và khô cá ngừ), chỉ để thêm ít ẩm ướt cho mì và nori. Một lựa chọn rất thông minh để chuyển từ sự mở màn mạnh mẽ của lươn sang đoạn điệp khúc nhẹ nhàng hơn trước khi vào món chính. Cơm ấm và mịn màng, điểm mè rang rất thơm. Gà mềm, phủ lớp xốt teriyaki lộng lẫy. Mùi rượu sake vẳng lên thoang thoảng. Cà rốt và súp lơ xanh hấp vừa chín, tươi và ngọt. Đây đó chút hành lá xanh e thẹn nấp giữa gà và rau. Người yêu sự sắc sảo của món Việt và Thái có thể nghĩ món Nhật hơi ôn hòa, nhưng khi quen rồi sẽ nhận ra sự quyến rũ tinh tế của nó. Món tráng miệng nhìn rực rỡ như những đồ trang sức lấp lánh treo trên cây thông Giáng sinh. Một trái nho tím kiêu kỳ trong lớp thạch trong suốt trên nền trắng sữa. Lát kiwi xanh rêu mọng nước nằm nghiêng trong khối thạch trong mờ. Đôi ba mảnh thơm vàng mơ ẩn hiện trong khối vuông nhỏ xíu xinh xắn. Thạch trái cây Nhật I Boone Bake, “The only fruit jelly cheesecake in the world”, YouTube Tôi cứ nhìn mà không nỡ ăn. Ôi rau câu, ai mà không có kỷ niệm thơ ấu ngọt ngào với thạch rau câu? Làm sao người Nhật có thể bỏ công làm ra những miếng thạch duyên dáng vậy chứ! Họ hẳn là có công thức bí mật, hay chiếc đũa thần? Hay có lẽ, chỉ là thời gian, sự kiên nhẫn và đam mê nữa. Vua của các thức uống hôm đó, theo tôi, là một ấm sứ trắng xinh xắn đựng trà xanh nóng. Còn các loại trà khác vẫn chịu thiệt thòi với bình inox. Trà xanh được ưu tiên có lẽ do tôn trọng sự cầu toàn của người Nhật trong ẩm thực chăng? Hay do họ biết trà xanh rót từ ấm sứ trắng sẽ thơm ngon hơn nhiều? Dù sao đi nữa, tôi rất ấn tượng và đánh giá cao sự tinh tế này. Chắc là tôi cũng lây tính cầu toàn của người Nhật rồi! Tuy vua đã chiếm hết hào quang nhưng tôi vẫn dành một góc trong tim cho chàng thái tử xấu trai nhưng tốt bụng. Khi tôi tò mò nhìn ngó các chai trà nâu vàng mang thương hiệu Asahi, cô tiếp viên người Nhật dịu dàng giải thích đó là trà 16 loại thảo mộc của Nhật. Cô nói thêm nó rất tốt cho tiêu hóa nhưng do vị lạ nên nhiều người không thích. Trà thảo mộc Asahi I Jam Optimist, “Asahi – Yui Aragaki Sep 2015”, YouTube Tôi hăng hái xin thử ngay. Vị của nó gần giống nước gạo rang ở Việt Nam, nhưng nặng vị thảo mộc nên khó uống hơn. Tôi ráng uống hết chai và nhận ra vị của nó không tệ. Hơn nữa uống xong thấy bụng nhẹ nhàng hơn nhiều. Có lẽ tôi phải dự trữ loại trà này trong thời gian ở Nhật để đối phó với cái bụng tham ăn của mình. Máy bay hạ cánh tại Osaka lúc một giờ trưa. Hành khách lặng lẽ lấy vali chờ tới lượt mình ra cửa máy bay. Khung cảnh lịch sự và trật tự tới nỗi bạn tôi và tôi chuyển sang thì thầm mỗi khi nói chuyện và làm việc gì cũng khẽ khàng hơn. Hóa ra lịch sự và kỷ luật cũng có khả năng lây lan khá nhanh. mlefood Kỳ tới: Ngạc nhiên lớn trong khách sạn Nhật và vài bí ẩn của Nhật. Home Nhật Tiếng Việt Nhật: Văn hóa
English The Essence of Kaiseki October 18, 2024 Reveal the essence of kaiseki – the muse of Japanese cuisine. Read More
English The poetic Vietnamese Hand Fans May 24, 2024May 24, 2024 Vietnamese hand fans are not only charming but also very poetic. Read More
English Japan’s Christmas: Weird and Wonderful December 22, 2023December 22, 2023 What are the quirky, delicious, and romantic things about Christmas in Japan? Read More