P1 Shirakawa: Chùa Chion-in mlefood, October 6, 2023June 4, 2024 Table of Contents Toggle Chùa Chion-inCầu “Bậc Trí giả” Ở Gion (Kyoto) có một dòng sông nhỏ đầy những bất ngờ thú vị. Trước tiên hãy thăm một ngôi chùa hùng vĩ: Chion-in. Tại Kyoto, Gion nổi tiếng nhất về geisha và đền chùa, nhưng Gion không chỉ có vậy. Có một nơi yên tĩnh nhưng không kém phần thú vị ở Gion: sông Shirakawa. Dòng sông nhỏ này chảy qua khu trung tâm quận Gion, và con đường dọc bờ sông thật yên tĩnh và cách biệt với thế giới ồn ã bên ngoài. Chúng tôi theo xe buýt đến trạm Higashiyama rồi đi bộ thêm 10 phút nữa. Chúng tôi sẽ đi dọc bờ sông bắt đầu từ Chion-in, chùa tổ phái Tịnh Độ Thiền Tông ở Nhật. Cuộc du hành dọc sông cực kỳ thú vị, nhưng trước khi đi vào chi tiết, ta hãy vào viếng chùa trước. Chùa Chion-in Khi đến gần chùa, tôi chỉ thấy một cổng ngoài nhỏ và đơn sơ. Vậy mà đắng sau nó lại có một quang cảnh thật bất ngờ. Chúng tôi bước vào trong, đi dọc theo con đường đá và thấy mình đối mặt với cổng chính, một công trình kiến trúc uy nghi và hùng vĩ. Cổng chính chùa tọa lạc trên một thềm đá cao đến mười mấy bậc. Cổng xây hai tầng hoành tráng với những trụ gỗ to hơn vòng tay người ôm và mái ngói đồ sộ màu xanh xám, trầm mặc giữa trời xanh như một người khổng lồ đang thiền định. Tôi bỗng thấy mình thật nhỏ bé, và hiểu thấu sự kính ngưỡng của khách hành hương trước một ngôi chùa thiêng. Cổng Sanmon của Chion-in I Yurara Sarara, “Chion-In, the garden of Kyoto, Japan”, YouTube Ba khung cửa rộng không có cánh cửa như đang chào đón. Đang suy nghĩ vì sao không có cánh cửa thì may quá, một anh hướng dẫn viên dẫn một nhóm khách tóc vàng mắt xanh tiến vào. Họ dừng ở bậc thềm và anh hướng dẫn viên bắt đầu giới thiệu. Hóa ra đây là cổng Sanmon của chùa Thiền tông, ba khung cửa tượng trưng cho ba sự giải thoát: không, vô tướng và vô nguyện. Khi từ bên ngoài bước vào chùa, cần buông bỏ vọng tưởng (không), giúp tâm không dính mắc (vô tướng) và không mong cầu (vô nguyện). Nói cách khác, “tham sân si”, ba lý do gây ra đau khổ phải được bỏ lại sau cánh cổng này. Cổng không có cửa ngụ ý đau khổ và giải thoát nối liền nhau, và một người chỉ cần biết buông bỏ sẽ dễ dàng bước vào thế giới thanh tịnh. Ba cổng không cửa I Yurara Sarara, “CHION-IN [4K] The Garden of Kyoto Japan”, YouTubeSau cổng Sanmon, những bậc đá xám xếp tầng cao vút dẫn lên chánh điện. Tôi thầm nghĩ “tham sân” thì không chắc, nhưng “si” đã kín đáo theo tôi vào đây: tôi đang háo hức được chiêm ngưỡng chiếc chuông đồng lớn nhất Nhật Bản nặng 70 tấn và cần 17 người đánh chuông theo lời anh hướng dẫn viên. Và (sau này tôi mới biết) rất cần đôi chân đi bộ đến mỏi nhừ của tôi nữa. Chúng tôi tha thẩn ngắm nhìn chánh điện rộng lớn, các chùa phụ cổ kính trang nghiêm, cầu đá xinh xắn, vườn Nhật tinh tế. Tuy đông khách tham quan và lễ bái, chùa vẫn khá yên tĩnh vì ai nấy đều đi nhẹ nói khẽ. Từ sảnh vẳng ra tiếng tụng kinh của các tu sĩ cho một người vừa qua đời. Thỉnh thoảng một tu sĩ chậm rãi bước đi, gương mặt an tịnh, áo choàng xanh đen tay rộng phủ lên kimono trắng bên trong. Bậc thang đá ở Chion-in I Official Channel Jodo, “Chion-in”, YouTube Nhờ nghe lóm chàng hướng dẫn viên, tôi được biết chùa có bảy báu vật, trong đó có chiếc Muỗng Kỳ Diệu. Nó dài 2,5m và nặng 30kg. Theo truyền thuyết, thầy tu tập sự Miyoshi Seikai (một trong mười ninja nổi tiếng dưới quyền Hiệp sĩ Sanada Yukimura vào thế kỷ 17) đã dùng chiếc muỗng này xúc cơm cho binh sĩ. Do động từ “múc” trong tiếng Nhật đồng âm với “cứu giúp”, chiếc muỗng này được đặt ở Chion-in tượng trưng cho tâm nguyện Phật A Di Đà giúp Phật tử về nơi giải thoát. Trí tưởng tượng của tôi tha hồ bay bổng với hai từ “ninja” và “muỗng” nên tất nhiên tôi rất tò mò muốn xem báu vật này. Tiếc thay, tôi vẫn chưa đạt được ước nguyện, vì chuyến đi chiều nay không có hướng dẫn viên, mà tiếng Nhật của tôi thì bập bõm quá không dám hỏi các tu sĩ. Tuy nhiên, tôi thỏa mong ước nhìn thấy chuông đồng chùa Chion-in. Nó có đường kính rộng hai mét bảy, lên màu xanh đậm của đồng oxy hóa theo thời gian. Trông chuông cổ kính nhưng không cũ kỹ, có lẽ nhờ được lau chùi thường xuyên. Có nguyên một dàn cột gỗ chắc chắn để treo chuông. Dùi đánh chuông là một cây gỗ lớn dài cỡ 4 mét. Thật không hổ là chiếc chuông lớn thứ nhì thế giới. Chuông đồng chùa Chion-in I Official Channel Jodo, “Chion-in”, YouTube Chuông chính thức được gióng một năm hai lần, vào lễ tưởng niệm Thầy Honnen (người sáng lập chùa) và đêm giao thừa. Cần 17 người gióng chuông, một người cầm dây chính và 16 người cầm dây phụ. Cảnh các thầy gióng chuông là một cảnh rất đáng xem trên Youtube. Nhất là lúc thầy cầm dây thừng chính nhảy lên và ngã người nằm ngang đẩy cây dùi, nếu không có sức lực, sự tập luyện thường xuyên và kinh nghiệm sẽ khó thành công. Tiếng chuông trầm hùng vang vọng trên phố vắng Kyoto cũng là một ấn tượng khó quên. Các thầy đang gióng chuông I Kyoto Shimbun, “Kyoto Chion-in “New Year’s Eve Bell trial”, YouTube Chion-in là một ngôi chùa hùng vĩ và trang nghiêm. Tôi không dùng từ “cổ kính” vì không muốn bạn nghe đến chán từ này. Ngoài ra, Chion-in là một thử thách đáng nể cho đôi chân lười đi bộ của tôi. Bước ra khỏi cổng chùa, vẫn còn một thử thách khác đang chờ đợi. Cầu “Bậc Trí giả” Nhớ lời người bạn, ra khỏi chùa chúng tôi dáo dác tìm một cây cầu nhỏ. Theo diễn tả của bạn thì “không khác mấy với cầu khỉ ở miền tây”. Một cây cầu khỉ ở một đất nước chỉnh chu tới từng chi tiết nhỏ như Nhật? Tôi hy vọng bạn không lừa tôi, và ô, nó kia! Bắc ngang sông Shirakawa, nó chỉ là hai trụ bê tông ghép lại, rộng cỡ 60cm và dài khoảng 2m. Không có tay vịn. Thật giống cầu khỉ miền Tây, rộng hơn một chút. Quan sát chừng 10 phút, tôi thấy người Nhật đi băng băng qua cầu không có vẻ gì sợ hãi. Có cả một cậu trai đạp xe qua cầu nữa. Kỳ lạ là họ chỉ đi một chiều từ bên kia qua phía Chion-in chứ không hề đi ngược lại. Cầu Trí Giả I Official Channel Jodo, “Chion-in”, YouTube Có lẽ do thói quen, vì truyền thuyết kể rằng khi những người hành hương và tu sĩ kết thúc chuyến hành hương bảy năm thăm 300 chùa, sau đó hoàn tất 9 ngày ngồi thiền không ăn, uống và ngủ thì họ có thể đến chùa Sonshō-in phía sau Chion-in để nhận danh hiệu “Bậc trí giả” (Master). Lúc đó họ sẽ bước qua cầu tới Chion-in, do đó cầu có tên “Người Hành Hương”, và một tên khác là “Bậc trí giả”. Người địa phương thì chỉ gọi đơn giản là “Cầu gỗ” (xưa cầu bằng gỗ trước khi thay bằng bê tông). Cầu khỉ miền Tây I Đặc sản miền sông nước, “Bình yên chẳng ở đâu xa”, YouTube Đã từng luyện tập qua cầu khỉ, tôi thoải mái đi qua cầu Trí giả, có điều tôi đi từ Chion-in sang bờ bên kia để tiếp tục cuộc du ngoạn dọc sông Shirakawa. Có lẽ vì vậy mà tôi mất danh hiệu “bậc trí giả” chăng? mlefood – Minh Lê Vẫn còn nhiều điều hay ho nữa chờ dọc bờ sông, hẹn bạn kỳ tới nhé! Home Nhật Tiếng Việt Nhật: Phong cảnh
English The Essence of Kaiseki October 18, 2024 Reveal the essence of kaiseki – the muse of Japanese cuisine. Read More
English Lovely Fluffy Bánh Bò June 21, 2024July 12, 2024 Discover bánh bò, Vietnam’s beloved fluffy delight. Read More
Home Chuyện lý thú xưa của Bún Bò Nam Bộ October 27, 2023July 12, 2024 Bún Bò Nam Bộ là món hoàn toàn mới, hay là chuyện “bình mới, rượu cũ”? Read More