P1 Tao nhã Kyoto: Geisha mlefood, November 17, 2023 Table of Contents Toggle Thế giới của Liễu và HoaOkasan: Người Bảo hộ truyền thống Geisha Nói tới Kyoto không thể thiếu geisha, những nghệ sĩ thanh nhã và bí ẩn với sự duyên dáng vượt thời gian. Đêm đầu xuân ở Nhật mát lạnh. Bầu trời sáng mờ, điểm vài ngôi sao cô đơn lấp lánh. Đứng ở đầu đường nhìn ra cuối đường, chỉ thấy vắng lặng ngõ đá nhỏ, vài người bộ hành vội vã, những căn nhà gỗ khép kín cửa. Ánh sáng vàng dìu dịu tỏa ra từ đôi trụ đèn đường sưởi ấm con đường nhỏ. Không khí thật im ắng. Tiếng guốc gỗ của Emi khe khẽ gõ đều trên đường vắng như tiếng tim đập đều đặn trong lồng ngực. Đêm nay Emi, cô hướng dẫn viên xinh xắn người Kyoto, sẽ hướng dẫn chúng tôi vào thế giới geisha ở Gion, Kyoto. Gion, thế giới của Geisha vào đêm I NHK World, “Pearl of Gion: Return of the Miyako Odori” Thế giới của Liễu và Hoa Kyoto không dùng từ geisha mà gọi geiko (nghệ sĩ theo phương ngữ Kyoto) và geiko tập sự là maiko (vũ công). Khoảng thế kỷ 18, geiko là những người đàn ông và phụ nữ làm việc tại các trà quán mở ra quanh đền Yasaka ở Gion để phục vụ người hành hương. Sau đó, ngày càng nhiều quý tộc và samurai giàu có đến trà quán tiêu khiển, khiến yêu cầu với geiko ngày càng cao. Đến thời kỳ này, geiko hầu hết là nữ. Geisha thời xưa I Traditional music channel, “Japanese geisha music”, YouTube Nhiệm vụ của họ là hát, múa, đàn, chơi trò chơi với khách và tiếp chuyện một cách khéo léo nhằm giúp khách thoải mái và thư giãn tinh thần. Vì vậy geiko phải đầu tư khá nhiều thời gian để luyện tập các kỹ năng này. Giá giờ làm việc của geiko theo đó cũng tăng lên tương ứng. Dần dần trà quán có geiko chỉ phục vụ một số khách chọn lọc, những người này không chỉ giàu có mà còn có trình độ thưởng thức nghệ thuật truyền thống và tư cách tốt. Trước kia Kyoto có sáu quận hanamachi (khu vực có nhiều geiko và maiko sống và làm việc), nay chỉ còn năm. Geiko và maiko theo truyền thống phải uyển chuyển như liễu và xinh tươi như hoa, nên các quận này gọi chung là karyukai (thế giới của liễu và hoa). Mỗi quận đều có các okiya (nhà maiko và geiko ở) và ochaya (trà quán tổ chức các buổi tiệc đêm có geiko và maiko). Gion là hanamachi lớn nhất, lâu đời nhất và lưu giữ truyền thống geisha tốt nhất ở Nhật. Geisha: thanh nhã, duyên dáng và bí ẩn I NHK World, “A Maiko in Kyoto”. Thấy tôi ngập ngừng muốn hỏi mà không dám cất lời, Emi cười: “Nhiều người nghĩ rằng geiko cung cấp dịch vụ tình dục nhưng điều đó sai hoàn toàn. Geiko chân chính phải trải qua quá trình đào tạo nghiêm khắc để tinh thông giao tiếp và nhiều môn nghệ thuật khác, bản lĩnh này đủ bảo đảm cho họ một địa vị và thu nhập cao trong xã hội.” Ôi trời, sao Emi lại biết tôi muốn hỏi gì nhỉ. Cô ấy biết đoán ý nghĩ hay là đã qua khóa huấn luyện geiko đây? Quả nhiên, sở trường của geiko là nghệ thuật và văn hóa, chứ không phải dịch vụ rẻ tiền. Họ mặc những chiếc kimono tuyệt đẹp, đeo trang sức quý giá, quen biết nhiều người giàu có, quyền lực và học thức. Một geiko được yêu thích có thu nhập hàng trăm ngàn đôla mỗi năm và là ứng cử viên cô dâu sáng giá trong các gia tộc thượng lưu nhờ tài tiếp chuyện và các mối quan hệ của cô ấy. Nhưng để tồn tại trong “thế giới của liễu và hoa”, geiko và maiko cần mạnh mẽ hơn liễu và hoa nhiều. Có lẽ họ phải như một cây trúc: mềm mại, linh hoạt, đồng thời dẻo dai và kiên trì. Một điệu múa của geiko và maiko I Dreamjoker1, “Kamishichiken dance 2016” Okasan: Người Bảo hộ truyền thống Geisha Có một người gắn bó với maiko và geiko trong suốt sự nghiệp của họ: okasan. Maiko và geiko gọi người phụ nữ quản lý nhà okiya là okasan. Trong tiếng Nhật, okasan có nghĩa là mẹ. Bà là người bảo trợ và quản lý các thiếu nữ muốn trở thành geiko. Bà ứng trước mọi chi phí ăn, ở, quần áo và học phí cho các cô gái để họ yên tâm học thành tài. Bà cũng dạy họ các quy tắc ứng xử, phong cách, phương ngữ và phong tục của hanamachi. Bà cũng quản lý các geiko trưởng thành từ okiya của mình. Nhiều okiya ở Gion và Kyoto có lịch sử hàng trăm năm. Mỗi okiya hoạt động như một công ty nhỏ, với okasan là giám đốc, maiko và geiko là nhân viên, cùng người trợ lý, giúp việc, nấu ăn và kế toán nữa. Theo truyền thống, okiya không nhận nhân viên nam, và những người làm việc trong một okiya thường gắn bó với nhau suốt đời như một gia đình. Okasan có trách nhiệm cân bằng thu chi và quản lý hiệu quả để duy trì okiya. Okiya, nhà của maiko và geiko I Christine Kaaloa, “Geisha and Gion”, YouTube Tôi không khỏi đưa ra nhận xét: “Okasan ắt phải là người có đạo đức và kinh nghiệm. Vậy okasan được chọn ra sao?” Câu trả lời khá bất ngờ: “Okasan không được lập gia đình nhưng có thể có con. Người con gái đầu của okasan được mặc định là người kế thừa. Cô ấy thường là geiko, và tiếp nhận okiya khi okasan qua đời hay về hưu. Nếu okasan không có con, bà sẽ chọn người kế tục trong các maiko và geiko của nhà. Ngoài ra, geiko giải nghệ cũng có thể lập okiya và làm okasan, tuy ít xảy ra, vì okiya cần vốn lớn để đầu tư các bộ kimono và trang sức cho maiko và geiko, cùng quan hệ lâu đời để tồn tại.” Mô tả của Emi sau này hiện lên sống động trong mắt tôi qua hình ảnh Okasan Ota Kimi trong phim tài liệu “Ngọc quý của Gion: Miyako Odori trở lại” của đạo diễn Kobochi Maki trên trang NHK World Japan. Ota Kimi có nét mặt phúc hậu, nói chuyện nhẹ nhàng, và cười vui một cách hồn nhiên. Bà là truyền nhân thứ tám nhà Tomiyo, một okiya tuổi đời hơn 200 năm ở Gion. Là con gái okasan đời thứ bảy, Ota Kimi từng yêu và muốn lập gia đình, nhưng trách nhiệm với tổ tiên, tình yêu Gion và truyền thống geiko đã giữ bà ở lại. Okasan Ota Kimi I NHK World, “Pearl of Gion: Return of the Miyako Odori” Vào thời điểm bộ phim trên được quay (2023), Ota Kimi 83 tuổi và đã làm okasan hơn 40 năm. Bà được mọi người ở Gion kính trọng. Bà khởi xướng dự án tôn tạo nhà hát Kaburenjo 200 năm tuổi, nơi biểu diễn vũ điệu Miyako Odori hàng năm, và đã huy động được 7 tỷ yên (hơn 1.100 tỷ đồng) cho dự án này. Chừng nào Gion và Kyoto còn có những okasan như Ota Kimi, ắt truyền thống geisha của họ sẽ tiếp tục. Những nhân chứng sống như Ota Kimi là nguồn cảm hứng và cổ vũ, đồng thời cũng là người bảo tồn và truyền đạt di sản văn hóa quý báu của dân tộc cho các thế hệ tương lai. mlefood Kỳ tới, hãy sẵn sàng chờ đón những chi tiết thú vị về maiko và một lễ hội geisha độc đáo. Home Nhật Tiếng Việt Nhật: Văn hóa
Home Vấn Vương Bún Sứa … “Đường Xưa” September 6, 2024September 7, 2024 Chút tình vương vấn, hai tô bún sứa giữa tiếng nhạc “Đường xưa” da diết… Read More
Home Bồng bột Bánh Bò Bông June 21, 2024August 30, 2024 Tại sao gọi là bánh bò? Có tới ba cách giải nghĩa luôn đó. Read More
Home Đề Hồ Tự: Nét Đẹp Phù Du June 28, 2024September 13, 2024 Nét đẹp phù du ở Đề Hồ Tự giữa tiếng lá xào xạc và phiến đá xanh rêu… Read More