P3 Cầu Tatsumi và Đá Vĩnh Cửu mlefood, October 20, 2023October 18, 2024 Table of Contents Toggle Cầu TatsumiĐền Tatsumi DaimyojinĐá Vĩnh Cửu Kanikakuni Một cây cầu, một ngôi đền và một hòn đá: sự giao thoa giữa nghệ thuật, văn hóa và tín ngưỡng bên dòng Shirakawa. Cầu Tatsumi Lại một cây cầu, nhưng bạn yên tâm, cầu này không thử thách mà khá thân thiện. Từ xa tôi đã thấy những hàng cột sơn đỏ mang đầu nhọn sơn đen cạnh một ngã ba và một cây cầu nhỏ. Cầu Tatsumi đây rồi: cây cầu nổi tiếng nhất Kyoto nhờ xuất hiện trong bộ phim Hollywood “Hồi ức của một Geisha” năm 2005. Từ đó, cầu Tatsumi thành nơi chụp hình đắt giá. Khi chúng tôi đến, trời vừa sụp tối. Những trụ đèn xinh xắn bằng gỗ sơn đỏ có chụp đèn trông như những chuồng chim câu cũng vừa bật sáng. Ánh đèn lấp lánh trên mặt nước, phản chiếu trên mặt đường đá bóng loáng, len giữa các cành đào, cành liễu đang nhẹ nhàng rung rinh trong gió. Phong cảnh cổ kính và thơ mộng. Có vẻ như buổi tối người ta ít chụp hình, chỉ một số thơ thẩn ngắm đèn và phong cảnh. Cầu Tatsumi I Anna Film production, “Gion Shirakawa, Kyoto, Japan”, YouTube Còn tôi, cái tính tò mò lại nổi lên. Tôi băn khoăn nhìn những hàng chữ đen viết trên các cột đỏ, tự hỏi chúng đang lưu giữ điển tích xưa hay thơ phú cổ nào. Hóa ra tôi nghĩ nhiều rồi. Sau này Emi, cô hướng dẫn viên người Nhật, cho biết chúng chỉ ghi tên các nhà hảo tâm đã quyên góp tu sửa cầu Tatsumi mà thôi. Kể ra chữ tượng hình có lợi thế là nhìn rất đẹp và bí ẩn với người ngoài, cho dù chúng viết cái gì đi nữa. Tuy nhỏ nhưng cầu Tatsumi là một trong những kiến trúc đã tồn tại từ thời Heian (794 – 1185). Trải bao năm tháng, nó trở thành cây cầu gần gũi nhất với cư dân Gion, đặc biệt là các geiko (geisha theo phương ngữ Kyoto) và maiko (geiko tập sự). Hơn một ngàn năm vật đổi sao dời, trải qua chiến tranh, hỏa hoạn, lụt lội, và động đất, cây cầu đã chứng kiến nhiều câu chuyện đời có lẽ còn cảm động hơn chuyện của nàng Nitta Sayuri trong “Hồi ức của một geisha”. Cầu Tatsumi nhìn từ nhà xưa I Anna Film production, “Gion Shirakawa, Kyoto, Japan”, YouTube Cầu Tatsumi còn là nguồn cảm hứng cho các thi sĩ và họa sĩ Nhật. Ví như họa sĩ Isoda Mataichiro, ông từng vẽ nhiều bức tranh nổi tiếng về Kyoto, trong đó có bức “Shirakawa, Gion” vào những năm 1950. Nét vẽ của ông giản dị mà sống động, ghi lại cảnh cầu Tatsumi đầy tuyết, những ngôi nhà cổ khiêm nhường và nàng geiko lặng lẽ che dù bước đi trong tuyết. Bức tranh dường như đang gợi lên trong ta những câu hỏi: Cô ấy đang đi đâu? Cô ấy đang nghĩ gì? Tranh “Shirakawa, Gion” của Isoda Mataichiro I “Gion Kyoto: 20 must-see highlights of the geisha district” Cầu Tatsumi giúp tôi cảm nhận sâu sắc rằng chính những giá trị văn hóa và truyền thống gắn với nó đã khiến một cảnh vật trông bình thường trở nên ý nghĩa. Cây cầu không chỉ kết nối hai bờ Shirakawa, mà còn kết nối quá khứ và hiện tại, nối kết thế giới bí ẩn của các nàng geiko với cuộc sống thường nhật. Nó là ví dụ nổi bật cho thấy vẻ đẹp của một phong cảnh không chỉ nằm ở bề ngoài mà còn ở chiều sâu văn hóa, lịch sử và nghệ thuật của nó. Đền Tatsumi Daimyojin Ngay góc ngã ba phía trước cầu Tatsumi có một ngôi đền nho nhỏ. Tôi để ý nó vì thấy mấy cô bé maiko dễ thương đứng thành kính chắp tay trước đền trước khi tiếp tục lên đường đến buổi tiệc nào đó. Đền Tatsumi thờ thần Nước và thần Nghệ thuật, hai vị thần bảo hộ của Gion. Emi kể xưa có một con chồn tinh liên tục quấy nhiễu các geiko ở Gion khi họ qua sông Kamo gần đó. Nó thích biến đổi thành nhiều hình dạng khác nhau để dọa các geiko. Khi đền dựng xong thì con chồn tinh biến mất. Đèn lồng gần đền Tatsumi I NatureFootage, “Lantern at Tatsumi Bridge”, YouTube Người dân Gion tin đền rất linh thiêng, đặc biệt là các geiko và maiko. Họ thường ghé qua đền và cầu nguyện. Các maiko xin thần giúp đỡ nhanh chóng thuần thục các kỹ năng mình đang học. Còn các geiko thì cầu nguyện cho mọi sự hanh thông hoặc khi có khó khăn, họ sẽ xin phù hộ cho họ vững tin để vượt qua. Sự giản dị của ngôi đền khiến tôi động lòng. Hóa ra lòng tin không cần một ngôi đền hay chùa thật hoành tráng, mà nó thường tồn tại trong những nơi gần gũi ở sát bên ta. Có lẽ ngôi đền này chỉ là nơi tượng trưng cho niềm tin trong lòng các maiko và geiko mà thôi. Cuối cùng sức mạnh giúp họ thành công vẫn là chính sức mạnh bên trong họ: niềm đam mê và sự khát khao đem nghệ thuật truyền thống phục vụ cuộc sống. Đền Tatsumi I EK around Japan, “Gion, Shirakawa | Kyoto, Japan”, YouTube Đá Vĩnh Cửu Kanikakuni Một người bạn khác khuyên tôi đến xem một hòn đá nằm bên bờ Shirakawa. Bạn nói nó khá to, nên nếu để ý tôi sẽ thấy nó dù đi buổi tối. Và tôi thấy nó thật. Một hòn đá xám to cỡ chú voi con mới sinh đang nằm yên lặng, trên có chữ Nhật sơn trắng. Lần này sợ bé cái lầm nên tôi lập tức nhắn tin hỏi bạn. May quá, tôi không thất vọng. Trên đá là bài thơ “Kanikakuni” của thi sĩ Isamu Yoshii (1886 – 1960) viết về Gion và sông Shirakawa. Yoshii là ngôi sao sáng trong dòng thơ trữ tình của Nhật. Ông đặc biệt yêu Gion và các trà quán nằm bên sông Shirakawa. Thi sĩ đã sống phần lớn cuộc đời ở Kyoto nên vào năm 1955, hội đồng thành phố quyết định đặt tảng đá này mừng ông 70 tuổi. Đá Vĩnh Cửu Kanikakuni I Anna Film production, “Kanikakuni sai, Kyoto, Japan”, YouTube Vào ngày 8 tháng 11 hàng năm, các nàng geiko và maiko sẽ tới đặt hoa cúc trước đá để tưởng niệm người thi sĩ tài hoa. Có lẽ các nàng sẽ thầm đọc lại một lần bài thơ trên đá mà tôi mạo muội dịch từ tiếng Anh: “Tôi yêu Gion tự đáy lòng, Trong mơ chảy mãi một dòng sông xanh.” (Bản dịch tiếng Anh tại đây) Thi sĩ thật biết diễn đạt lòng người! Tôi từ biệt Shirakawa và Kyoto đã lâu, nhưng lòng còn vương vấn không nguôi hình ảnh dòng sông xanh bé nhỏ và những điều kỳ diệu nơi đó. mlefood Home Nhật Tiếng Việt Nhật: Phong cảnh
Home “Phượng Hồng” và Gỏi Bông Phượng May 10, 2024May 14, 2024 Từ gỏi bông phượng tới tiếng nhạc lời ca của “Phượng hồng”… Read More
English Rice Proverbs and Idioms January 5, 2024May 17, 2024 How do rice proverbs and idioms reflect Vietnam’s life? Read More
English A Mangrove Apple Salad with Love April 26, 2024April 26, 2024 Mangrove apple: a Southwest tale of lasting love… Read More