Tenugui và Furoshiki: Độc Đáo Khăn Nhật mlefood, February 21, 2025 Table of Contents Toggle Tenugui: Khăn Tay Đa NăngFuroshiki: Khăn Gói Tuyệt Vời Tenugui và furoshiki: truyền thống và linh hoạt! Bạn có thể nghĩ ra một chiếc khăn có vô số công dụng được sử dụng rộng rãi không? Người Nhật đã phát minh ra nó: khăn tay tenugui! Cạnh đó, họ còn có một khăn khác vừa đẹp và tiện dụng vừa góp phần bảo vệ môi trường: khăn gói furoshiki. Cùng khám phá những điều thú vị và bất ngờ từ hai chiếc khăn này nhé! Tenugui: Khăn Tay Đa Năng Tenugui có một lịch sử khá dài nếu tính cả thời kỳ khi nó dùng như mũ đội trong nghi lễ đạo Shinto và vải thấm mồ hôi dưới mũ sắt của các hiệp sĩ samurai từ thế kỷ 8. Đến thế kỷ 16, các vùng trồng bông thô phát triển mạnh, giúp vải bông thành mặt hàng thông dụng trong đời sống người Nhật. Chiếc khăn từng là đặc quyền riêng của giới quý tộc trở nên bình dân và được gọi là tenugui, với “te” có nghĩa là “tay” và “nugui” là “lau”. Tenugui làm khăn quấn đầu thời Edo I VOVTV, “Tenugui”, YouTube Tuy chỉ là một chiếc khăn vải mỏng hình chữ nhật, mềm mại và họa tiết đơn giản, tenugui nhanh chóng thành vật dụng thiết yếu của người Nhật từ thế kỷ 17 đến nay. Bạn có thấy người Nhật thường quấn trên đầu một cái khăn như băng-đô không, từ đầu bếp, cổ động viên đến các thành viên tham gia lễ hội? Chính là nó: tenugui! Bền, thấm nước tốt và khô nhanh, tenugui không chỉ để quấn đầu, mà còn làm khăn quàng cổ, thắt lưng kimono, khăn tắm tại suối nước nóng, khăn lau vật dụng trong nhà, khăn trải bàn. Tenugui trắng tinh không thể thiếu trong trà đạo, khi người pha trà dùng nó lau ấm chén một cách trang trọng. Cùng với quạt, tenugui trong tay nghệ sĩ rakugo có thể biến hình thành những vật khác nhau giúp câu chuyện của họ thêm sinh động, làm người xem bị cuốn hút hoàn toàn. Tenugui còn là tác phẩm treo tường đầy nghệ thuật với tranh vẽ và họa tiết độc đáo kể từ buổi triển lãm đầy ấn tượng tổ chức tại Tokyo năm 1784. Từ đó, trí tưởng tượng của các nhà thiết kế tenugui tha hồ bay bổng. Bạn sẽ càng ngạc nhiên nếu biết dù giản dị và rẻ tiền, tenugui không sản xuất bằng máy mà được nhuộm màu hoàn toàn thủ công. Kỹ thuật Chusen phát triển từ thế kỷ 19 cho phép nhuộm 50 mảnh vải cùng lúc mà màu vẫn đẹp và tinh tế. Tất nhiên, cả quy trình đều làm bằng tay, với sự cẩn trọng và tỉ mỉ đặc trưng của người Nhật. Thuốc nhuộm thấm sâu vào sợi vải mà không làm cứng vải, và họa tiết hiện trên hai mặt vải đều đẹp như nhau. Tenugui nhiều màu sắc và họa tiết I Life where I’m from, “Tenugui”, YouTube Vải bông trắng tinh nằm ngoan ngoãn trên bàn. Giấy nến chạm họa tiết rỗng căng trong khuôn gỗ nhấn xuống. Hồ trộn từ rong biển, bột gạo nếp, đất sét lả lướt quét hai lần lên khuôn. Khi khuôn nhấc lên, phần không nhuộm đã kín hồ còn phần cần nhuộm lộ vải trắng tinh. Vải tiếp vải, chồng lên nhau thành khối dày và nặng, rồi nghỉ ngơi trong lớp mùn cưa mịn cho ráo nước. Khi khối vải trở lại bàn, hồ khéo léo khoanh tròn các vùng in màu khác nhau để tránh bị loang. Thuốc nhuộm nhảy nhót vào cuộc trong khi ống khí dưới bàn rì rầm hút thuốc xuống cho màu thấm đều. Khối vải trở mình, và được nhuộm thêm lần nữa. Sau khi giặt sạch, tấm tenugui dài bảy mét treo cao, phất phơ uốn lượn trong gió. Khi nó đã khô và xếp lại thành xấp chỉnh chu, kéo xoèn xoẹt chia tenugui thành nhiều khăn nhỏ. Hồ đắp ngăn màu lan ra khi in I Kamawanu Global, “How to make a tenugui”, YouTube Nếu ai đó tặng bạn một chiếc tenugui, chớ nhíu mày khi thấy hai cạnh ngắn chỉ cắt mà không viền. Kiểu xưa của tenugui là vậy, và người Nhật cương quyết giữ y chang kiểu đó. Thú thực, tôi từng lo rằng tenugui sẽ bị xơ chỉ. Nhưng nhớ đến sự tỉ mỉ và kinh nghiệm sử dụng tenugui của người Nhật suốt hàng thế kỷ, tôi thấy mình đúng là “lo bò trắng răng”. Về tính thẩm mỹ và thời trang của tenugui, bạn nhất định sẽ hài lòng. Mọi họa tiết từ truyền thống đến hiện đại, thậm chí hài hước và điên rồ, đều xuất hiện trên tenugui. Bạn cũng có thể tự thiết kế hình vẽ trên tenugui, miễn là bạn đặt hàng đủ nhiều. Ngoài ra, “mùa nào khăn nấy”, mùa xuân nhiều hình vẽ lễ hội, mùa thu nhiều lá vàng bay, mùa đông màu sẫm và tối, còn mùa hè đầy màu sắc tươi sáng, như hình kem đá bào ngon miệng chẳng hạn. Tenugui với họa tiết kem đá bào I VOVTV, “Tenugui”, YouTube Cuối cùng, tenugui còn có vài cách dùng khá đặc biệt. Tỷ như để bọc bìa cuốn sách quý của bạn tránh bị sờn hay quăn. Hay dùng luyện cơ tay lúc tập thể dục và treo chai nước trên xe đạp trong chuyến đạp xe đường dài. Chú chó yêu quý của bạn sẽ rất khoái chiếc khăn quàng tenugui duyên dáng. Ninja Nhật dùng tenugui để siết cổ đối phương, còn một tên trộm Nhật thì hiền hơn, chỉ bịt mặt cho khỏi bị nhận ra mà thôi. Còn bạn, có nghĩ ra cách gì độc đáo không? Một cách dùng sáng tạo của tenugui I Kamawanu Global, “How to use tenugui”, YouTube Furoshiki: Khăn Gói Tuyệt Vời Tên gọi đầu tiên của furoshiki là tsutsumi hay “gói”, dùng bảo vệ vật phẩm quý giá trong đền chùa. Dần dà, nó còn dùng để gói quần áo. Đến thế kỷ 14, các vị khách quý đến nhà tắm nước nóng ở Kyoto theo lời mời của lãnh chúa Ashikaga thường gói quần áo trong tấm vải in huy hiệu gia tộc để khỏi lẫn lộn với đồ người khác. Từ đó tsutsumi đổi tên thành furoshiki, với furo là “bồn tắm” và shiki là “đặt xuống”. Khác với tenugui, furoshiki có hình vuông và nhiều kích cỡ, cỡ nhỏ nhất khoảng nửa mét và lớn nhất đến hơn 2 mét. Bốn cạnh khăn đều viền kỹ vì furoshiki hay được thắt gút và đựng vật nặng. Chất liệu làm furoshiki khá đa dạng, từ lụa, vải bông, tơ nhân tạo đến các loại vải pha nylon và sợi tổng hợp. Ngoài ra hai mặt của furoshiki thường có họa tiết khác nhau, hoặc một mặt có họa tiết và một mặt trơn. Furoshiki gói quà I Wakjapan Kyoto, “Furoshiki”, YouTube Hiện nay chức năng quan trọng nhất của furoshiki là gói quà. Quà lớn, quà nhỏ, quà dễ gói, quà khó gói, furoshiki bao hết, dĩ nhiên cần một chút kỹ năng của người gói. Trong văn hóa Nhật, quà luôn luôn được gói để thể hiện sự trân trọng của người tặng, nên dù là hộp bento chứa đồ ăn, bình gốm sứ hay trái dưa hấu bự chảng, tất cả đều được gói ghém cẩn thận và thanh lịch trong furoshiki. Bản thân furoshiki cũng là món quà nhỏ đầy tinh tế với hoa văn và màu sắc theo mùa. Gần đây, các cách thắt túi từ furoshiki ngày càng phong phú, Bạn có thể tạo nên nhiều kiểu túi chỉ với một chiếc furoshiki. Một tiệm bán furoshiki ở Nhật còn chu đáo hướng dẫn 12 cách tạo túi và tạp dề từ furoshiki cho khách hàng. Nếu đi dã ngoại, furoshiki có thể đựng đồ, sau đó biến thành khăn trải trên cỏ, thậm chí có thể làm dù che nắng nữa. Nó còn được sử dụng nhiều lần, giúp giảm bớt các loại túi nhựa và chất thải khó tiêu hủy khác. Một chiếc khăn tuyệt vời! 12 cách sử dụng furoshiki I Furoshiki Musubi, “Cách sử dụng Furoshiki”, YouTube Tenugui và furoshiki không chỉ là những mảnh vải đơn giản mà xứng đáng là đặc trưng văn hóa Nhật, vừa nghệ thuật vừa thực tế. Thiết kế độc đáo, lịch sử phong phú và tính linh hoạt khiến chúng hết sức đặc biệt. Và đừng quên tính thân thiện với môi trường: tenugui và furoshiki cực kỳ đa năng và sử dụng được nhiều lần, giúp ta bớt phụ thuộc vào nhựa và các vật liệu chậm phân hủy khác. Vì vậy, lần tới khi bạn có một chiếc tenugui hoặc furoshiki, hãy phát huy trí sáng tạo để dùng chúng một cách thanh lịch và độc đáo, đồng thời biết rằng bạn đang bảo vệ môi trường. Một đồ vật, hai niềm vui, quá hời đúng không? mlefood – Minh Le Home Nhật Tiếng Việt Nhật: Văn hóa
English Is Dó Paper making a comeback? November 1, 2024 What is Dó paper and how sustainable is its comeback? Read More
English Homely Salted Fiddler Crab Paste November 8, 2024 Do the villagers still cherish salted fiddler crab paste? Read More
Home Sương sa, Sương sáo, Sương sâm April 19, 2024 Có phải sương sa là quà tặng từ giọt sương mai? Read More