Thắc Mắc cùng Táo Quân mlefood, February 2, 2024February 2, 2024 Vài sự tích nho nhỏ về Táo Quân không phải ai cũng biết… Hôm nay là hăm ba tháng chạp, ngày Ông Táo về trời. Tôi lâm râm khấn vái trước mâm cúng Ông Táo trên bàn bếp: “Dạ con có mấy điều muốn hỏi Ông Táo, xin Ông Táo cho phép.” Tối hôm đó, tôi vừa mơ màng ngủ đã thấy ba ông bà phương phi, mặt mũi phúc hậu hiện ra. Bà cụ đứng giữa hiền từ hỏi: “Con muốn hỏi Táo Quân chúng ta điều gì?” Trời ơi, linh quá, tôi mừng rỡ nói: “Dạ có mấy chuyện con thắc mắc về Táo Quân lâu nay mà không biết hỏi ai, giờ con hỏi được không thưa cụ?” Ba ông bà liền thong thả ngồi xếp bằng trước mặt tôi, rồi Bà Táo cười: “Con hỏi đi.” Tôi: Con thấy người ta nói sự tích Táo Quân hai ông một bà của Việt Nam bắt nguồn từ ba vị thần Thổ Công – Thổ Địa – Thổ Kỳ bên Trung Quốc, không biết đúng không? Bà Táo: Từ khi có lửa thì con người luôn thờ Thần Lửa, người Việt cổ cũng vậy. Chúng ta chính là Thần Lửa, còn sự tích ra sao thì do con người tự đặt ra thôi. Có lẽ người Việt xưa thấy bếp nấu có ba chân mới vững nên nghĩ ra chuyện có ba vị Táo Quân. Nhờ vậy chúng ta mới được vui vẻ như vầy (cười). Tôi: Dạ, mà sao lại là “hai ông một bà” chớ không phải “hai bà một ông”? Bà Táo: Con quên là ngày xưa người Việt cổ theo chế độ mẫu hệ à? Cho nên một phụ nữ có thể có hai chồng, chứ đàn ông đâu thể có hai vợ. (Hai ông Táo lén lút thở dài) Tôi: Con hiểu rồi, vì Trung Quốc có chế độ phụ hệ từ ngàn xưa, nên truyền thuyết Táo Quân bên đó là một ông một bà, hay một ông, khác với truyền thuyết của người Việt. Bà Táo: Học một biết mười, giỏi đa con! Tranh vẽ Táo Quân trong sách “Kỹ thuật của người An Nam” đầu thế kỷ 20, Henri Oger @ wikipedia.com Tôi (cười lỏn lẻn): Dạ con hỏi cái này xin các cụ bỏ quá cho. Sao con thấy người ta cúng Táo Quân áo, mão, hia mà không cúng quần? Bà Táo: Chúng ta ngồi suốt ngày trong bếp, ở gần lửa nên nóng muốn chết thì mặc quần áo cho nhiều làm gì. Chẳng qua người ta muốn chúng ta mặc lên để nhìn cho đẹp thôi. Con nhìn mấy bức tranh xưa mà coi, áo quan ngày xưa dài che hết quần, nên dần dần khi cúng Táo Quân người ta bỏ luôn quần đi. Ông Táo 1: Chúng còn mượn tích này mà làm thơ nữa chớ. Ta không nhớ tác giả là ai nhưng con có nghe bài này chưa: “Hăm ba, ông Táo dạo chơi xuân Đội mão, đi hia, chẳng mặc quần Giời hỏi: làm sao ăn mặc thế? Thưa rằng: hạ giới nó… duy tân!” Ông Táo 2: Chúng còn bảo chúng ta “ít mặc” nên “ít làm”: “Ông Cả ngồi trên sạp vàng, Cả ăn, cả mặc, lại càng cả lo. Ông Bếp ngồi trong đống tro, Ít ăn, ít mặc, ít lo, ít làm.” Bà Táo: Con cháu nó dại dột, hai ông trách làm gì. Cúng Ông Táo ở Huế I VTV4, “Nghề nặn tượng Ông Táo”, YouTube Tôi: Con thấy người miền Bắc cúng cá chép, người miền Trung cúng cỗ ngựa giấy, còn người miền Nam cúng “cò bay ngựa chạy”, cho con hỏi Táo Quân thích cưỡi con nào nhứt? Ông Táo 1: Ta thích cưỡi ngựa, nhìn oai phong đa. Ông Táo 2: Còn ta thích đổi xe, nên đường bộ đi ngựa, đường hàng không đi cò, đường thủy đi cá chép. Bà Táo: Con đừng nghe mấy ổng, thời buổi tự động hóa này chúng ta chỉ cần nhấn nút là trong chớp mắt xuất hiện trên thiên đình, bận tâm cưỡi cái gì cho mệt. Tôi: Dạ, thiên đình cũng hiện đại ghê, mà sao có con vật cưỡi mà người ta cũng cúng khác nhau thưa Cụ? Bà Táo: Chắc do truyền thuyết cá chép vượt thác Vũ Môn hóa rồng nên dân gian nghĩ chúng ta phải cưỡi cá chép mới bay về trời được. Con đã nghe câu ca dao này chưa: “Mồng Bốn cá đi ăn thề, Mồng Tám cá về, cá vượt Vũ Môn” Ta coi trên mạng thì thấy huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh có thác Vũ Môn rất hùng vĩ. Để kỳ này lên trời nếu gặp Lạc Long Quân, ta sẽ hỏi coi trước khi thành rồng có phải ổng là cá chép không. Táo Quân cỡi cá chép về trời I Miền Cổ tích, “Sự tích Ông Công, Ông Táo”, YouTube Ông Táo 1 (ghen): Bà hỏi làm gì cho mất công! Người ta bây giờ là rồng mà lại đi nhận trước đây mình là cá chép à? Tôi: Dạ còn “cò bay ngựa chạy” là sao? Con ngựa thì con hiểu, hồi xưa muốn nhanh toàn đi ngựa không hà, ngựa còn biết bay như ngựa của Thánh Gióng nữa, sao còn cần tới con cò? Ông Táo 1: Không phải cò mà là hạc. Đây là theo nghi thức “xá mã, xá hạc” của Đạo giáo và Phật giáo (1) đó con. Sau khi cúng, người ta bỏ sớ vô đốt chung với giấy in hình cò bay ngựa chạy để nhờ ngựa và hạc đem sớ tới thần phật. Bà Táo: Ông giỏi hen! Ông Táo 1: Bà biết lên mạng, tui cũng biết lên mạng chớ bộ! “Cò bay ngựa chạy” trong lễ cúng Táo Quân I Hình bóng quê nhà, “Hăm ba Ông Táo về trời”, YouTube Tôi: Con thấy có khi người ta thờ Ông Táo trên bàn thờ giữa nhà, nhứt là ở nhà ba gian Nam Bộ xưa, còn đa số thờ Ông Táo trong bếp. Con không biết thờ ở đâu thì đúng? Ông Táo 2: Lần này để ta giảng cho con nghe. Cái ông trên bàn thờ giữa nhà kêu là Ðông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân, thờ chung với Quan Thánh và Thổ Địa. Còn ông thờ trong bếp kêu là Hỏa Đức Táo Quân (2) Tục thờ ba ông trên bàn thờ ở gian chính bắt nguồn từ ảnh hưởng của di dân người Hoa ở Nam Bộ. Sau này người ta thấy thờ ông Táo hai nơi bất tiện, nên dời Ông Táo vô bếp và đổi tên thành Định Phúc Táo Quân. Ông Quan Thánh về bên nước ổng, còn ông Thổ Địa thì xuống đất ngồi chung với ông Thần Tài. Tôi: Ủa, đơn giản vậy thôi hả ông? Tiện cho tụi con, chớ có tiện cho các thần không? Bà Táo: Chúng ta ở đâu mà không được, miễn con người sống đàng hoàng nhơn đức là chúng ta vui. Con cháu cứ sợ chúng ta lên “méc” Ngọc Hoàng, thiệt ra chúng ta đâu cần nói gì. Từ xưa đã có câu “ở hiền gặp lành”, “ác giả ác báo”, đúng không con? Tôi: Dạ đúng, nên người ta có cúng đồ ngọt cách mấy mà sống không đàng hoàng cũng không hối lộ nổi Táo Quân ha cụ. Nhân nói chuyện đồ ngọt, con thấy ở miền Nam cúng Táo Quân cái thứ ngộ lắm, kêu là kẹo “thèo lèo cứt chuột”. Kẹo “thèo lèo” do người Việt đọc trại từ “trà liệu” tiếng Triều Châu, nghĩa là đồ ngọt để uống trà. (3) “Thèo lèo cứt chuột” thường có tới ba thứ: kẹo đậu phộng, kẹo mè đen, và đậu phộng rang áo đường trắng hay hồng. Vậy trong ba loại này, cái nào là kẹo “cứt chuột”? Người thì nói là kẹo mè đen vì nó đen đen giống cứt chuột, nhưng Cụ Vương Hồng Sển lại nói “cứt chuột” là đậu phộng áo đường. (4) Ai đúng thưa Cụ? “Thèo lèo cứt chuột” cúng Táo Quân I Hàn Mai, “Kẹo thèo lèo trong lễ cúng Ông Táo”, Việt Báo Bà Táo (nhìn hai ông Táo): Hồi giờ tui sợ mập nên hổng ăn ngọt. Hai ông hảo ngọt thì chắc rành hen. Ông Táo 1: Con cháu cúng gì tui thời đó chớ để ý cái tên làm chi. Chắc mấy người lớn tuổi nói đúng đa con. Mà bây giờ tụi bây toàn thích tên hay, ai dùng tên kẹo cứt chuột nữa đâu mà bây thắc mắc. Bà Táo: Tới giờ rồi, chúng ta phải đi nghe con. Con ở nhà nhớ ăn ở đàng hoàng, siêng làm công chuyện chớ đừng lười biếng. Chúng ta ở trên Thiên đình chớ vẫn có gương thần 4G để theo dõi việc ở nhà đa. Ông Táo 2: Bà lạc hậu rồi nghen. Năm nay gương thần lên 5G rồi. Tôi: Dạ, con nhớ mà. Con chúc các Cụ đi đường bình an, nghỉ lễ vui vẻ. Cả ba Ông Bà Táo nhìn tôi cười, rồi vù một cái, cả ba biến mất. Tôi sực tỉnh, lật đật lấy giấy ra ghi lại kẻo quên. Ghi xong, gà cũng vừa gáy sáng. Tôi định ngủ thêm chút nữa, nhưng nhớ lời dặn dò của Bà Táo, liền ra khỏi giường. Một ngày mới siêng năng bắt đầu! Ghi chú: (1) và (2): Trần Phỏng Diều, “Tục thờ Ông Táo ở Nam Bộ”, 31/1/2021. (3) Huỳnh Tịnh Của, Đại Nam Quấc Âm Tự Vị, Nxb Rey, Curiol & Cie 1895, tr. 1000. (4) Vương Hồng Sển, Ăn cơm mới, nói chuyện cũ: Hậu Giang Ba Thắc, Nxb Trẻ 2012, tr. 25. mlefood Home Tiếng Việt Việt Nam V: Tết
English Rice Proverbs and Idioms January 5, 2024May 17, 2024 How do rice proverbs and idioms reflect Vietnam’s life? Read More
English Japan: Lucky Food for New Year December 29, 2023 What are the three must-try dishes for celebrating New Year in Japan? Read More
English P2 Japan: Konnichiwa! September 8, 2023October 20, 2023 Big surprise in a Japanese hotel and some mysteries in Japan. Read More