Thơ thẩn Quạt Giấy Quạt Nan mlefood, May 24, 2024 Table of Contents Toggle Quạt Nan – Quạt MoQuạt Giấy – Quạt Sơn Bạn có biết quạt giấy và quạt nan không chỉ đẹp mà còn rất thơ? Từ xưa người Việt đã dùng quạt. Vua chúa xài quạt lông chim, dân thường xài quạt lá cọ. Tới thế kỷ 16 -17, Chỉ Nam Ngọc Âm giải nghĩa kể thêm loại quạt giấy vẽ tranh, viết chữ. (Trần Xuân Ngọc Lan chú giải, NXB Khoa học Xã hội 1985, tr. 163) Đến thế kỷ 18, quạt nước Nam đã khá phong phú về chất liệu và hình dáng. Trong Vân Đài loại ngữ (1773), Lê Quý Đôn kể tám loại quạt với nan làm từ tre, mật cật, gỗ mai già, đàn hương, sừng trâu, ngà voi, đồi mồi và quạt gỗ sơn màu. Ông viết: “Nan quạt có hai thứ, một thứ cong, một thứ thẳng, dù to hay nhỏ mỗi cái có 22 nan, hai mặt đều phất giấy.” (NXB Văn hóa Thông tin 2006, tr. 386) Quạt cổ làng Vác thế kỷ 18 I VTV4, “Nghề làm quạt Kẻ Vác”, YouTube Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Của cho biết “quạt” là từ thuần Việt và nêu bốn loại quạt thông dụng: quạt lông (chim), quạt giấy, quạt nan (đương bằng nan tre) và quạt mo (cau). (NXB Rey, Curiol & Cie 1895, tr. 841) Quạt Việt trong đời sống còn đa dạng và nên thơ hơn nhiều so với vài dòng giản dị trong sách. Quạt Nan – Quạt Mo Đứng hàng bô lão của quạt là quạt nan làm từ lá cọ hay lá buông. Lá cọ, lá buông phơi thật khô, từ xanh óng ả chuyển màu vàng rơm thân thuộc. Cật tre già vàng bóng dẻo dai làm tay quạt cũng đã sẵn sàng. Đôi bàn tay chai sần của người làm quạt thoăn thoắt qua lại giữa các dải lá. Từng dải san sát liền lạc, đường lên xuống mạch lạc đều đặn. Thân quạt dần hiện ra trong tiếng tre lá xào xạc theo mỗi chuyển động. Thanh thoát, giản dị và an nhiên. Đan quạt lá đa ở Lạc An, Bình Dương I BTV giải trí, “Làng nghề đan quạt Lạc An”, YouTube Quạt nan có nhiều hình dáng, giản dị nhứt là hình thang. Quạt hình bầu như lá cây đa sẽ gọi luôn là quạt lá đa, còn đỉnh nhọn như lá bồ đề là quạt lá đề. Có khi quạt tròn vành vạnh như trăng. Gió từ chiếc quạt nan hiền hậu thổi bùng bếp lửa, xua đi ruồi muỗi, quạt bay cái nóng mùa hè. Ca dao còn thủ thỉ nhiều cách dùng quạt dễ thương: “Quạt này để nắng che đầu, Để nực em quạt, đi đâu em cầm. Quạt này là quạt tri âm, Để dành che miệng nói thầm cùng nhau.” Hóa ra quạt còn thay nón, thay cả bàn tay duyên dáng che miệng thì thầm. Quạt làm cái cớ cho cô gái hờn dỗi: “Trách ai cầm quạt che đèn, Không cho em thấy lạ quen em chào.” Vũ điệu quạt nan I Vũ đoàn Grammy, “Múa quạt nan”, YouTube Một công dụng quan trọng nữa của quạt nan thời xưa: quạt thóc. Quạt thóc vuông vắn đan bằng nan tre, to mà nhẹ. Thóc rê từ trên cao, người cầm quạt phải quạt vừa đủ và đều tay để thóc lép bay ra, thóc mẩy rơi xuống sàng. Thóc rơi như một bức mành vàng, hạt lép bay lả tả như kiến cánh rời tổ trong mưa. Sàng tre vun đầy những thóc căng tròn thơm ngọt. Quạt mo dễ làm nhất: tàu cau lượm vô cắt hình chữ nhật và cái tay cầm, xong đem cối đá đè lên cho phẳng. Người nhà quê trồng vài cây cau quanh vườn, tới hè lại làm quạt mo. Lũ con nít thiu thiu ngủ nhờ làn gió từ quạt mo của bà giữa trưa hè oi bức, trong tiếng đọc ngân nga: “Thằng Bờm có cái quạt mo, phú ông xin đổi ba bò chín trâu…” Phú ông xin đổi toàn thứ đắt giá nhưng Bờm vẫn lắc đầu. Cuối cùng khi Bờm gật đầu thì thứ đó là… chuyện để kể trong bài khác. “Thằng Bờm có cái quạt mo” I Kênh thiếu nhi, “Thằng Bờm”, YouTube Không biết nhà thơ Huy Cận cầm quạt mo hay quạt nan ru em gái ngủ trong bài thơ nổi tiếng “Ngậm ngùi”: “Em ơi! Hãy ngủ… anh hầu quạt đây. Lòng anh mở với quạt này, Trăm con chim mộng về bay đầu giường.” Cô em út Huy Cận mất vì bệnh đậu mùa khi ông đang học ở Huế. Về thăm nhà, ông bàng hoàng đứng trước ngôi mộ cuối vườn. Thi sĩ nhớ những trưa hè quạt cho em ngủ, và lặng lẽ quạt ru em lần cuối. Từ “mở” làm tôi thắc mắc hết sức. Lâu giờ tôi vẫn nghĩ là “mơ” mới có “trăm con chim mộng”. Nhưng không, tác giả muốn “mở lòng” lần cuối để ôm em, quạt cho em an nghỉ. Nếu người em của thi sĩ đã đi vào giấc mộng nghìn thu thì quạt nan và quạt mo cũng thiếu chút nữa đi vô giấc ngủ ngàn thu nếu không có các nghệ nhân yêu nghề phục sinh chúng dưới hình thức hiện đại. Quạt mo thanh nhã vẽ hoa cỏ và thư pháp, phủ lớp sơn bóng mờ giữ lâu. Còn quạt lá được nhuộm màu và kết hợp nhiều kiểu đan thành tác phẩm nghệ thuật đặc sắc. Quạt nan hiện đại I DaiViet Arte, “Bamboo Fan decor”, YouTube Quạt Giấy – Quạt Sơn Đình làng Vác, tên chữ Canh Hoạch (huyện Thanh Oai, Hà Nội), còn giữ một chiếc quạt lụa lớn từ thế kỷ 18 có cạnh bằng sừng, mặt quạt vẽ đôi rồng chầu ngọc. Bức tranh quạt trên bàn thờ ghi hai câu thơ hào hùng: “Quạt nồng nam bắc tây đông, Quạt cho hào khí xuân phong trở về.” Cụ Mai Đức Siêu truyền nghề quạt cho dân làng vào thế kỷ 18. Quạt giấy làng Vác bền và đẹp, có kỹ thuật châm kim tinh vi. Theo tiếng lách cách khi nặng khi nhẹ của mũi kim châm lên giấy dưới bàn tay tài hoa của nghệ nhân, họa tiết chỗ đậm chỗ nhạt hiện ra sống động và tinh tế như một bức tranh thủy mặc. Khi đưa quạt ra sáng, trên nền quạt tím sẫm hiện rõ hình rồng lượn, mây bay, thú vật, hoa cỏ. Quạt giấy làng Vác I VTV4, “Nghề làm quạt Kẻ Vác”, YouTube Quạt giấy làng Vác còn đặc biệt ở chỗ rơi xuống nước không hư. Tre già ngâm kỹ cả năm, vót tỉ mỉ làm nan. Nan cái (hai nan ngoài cùng) ốp sừng trâu đen bóng, chạm họa tiết công phu, bảo vệ quạt khi gấp và giúp quạt thêm sang trọng. Giấy phất quạt là giấy dó cổ truyền Bắc Ninh mịn và dai. Keo dán quạt làm từ quả cầy theo cách người xưa để lại, vừa chắc vừa bền. Cây cầy nghe lạ, còn có tên khác là cây kơ nia ở Tây Nguyên, nổi tiếng qua bài hát “Bóng cây kơ nia”. Quạt độc đáo là vậy mà nay (2024) làng Vác chỉ còn vài gia đinh làm quạt theo truyền thống và một nghệ nhân châm kim duy nhất 60 tuổi họ Mai, có lẽ là hậu duệ Cụ Mai Đức Siêu. Những bàn tay khéo léo làng Vác đã chuyển sang làm lồng chim – sản phẩm nhiều người mua hơn. Nếu quạt giấy làng Vác biết nói, hẳn chúng sẽ thì thầm câu ca dao xưa: “Ai đem mình quạt tới đây, Quạt ốm quạt gầy còn một nắm xương. Hai bên giấy phất tư lương, Tay cầm lấy quạt thì vương lấy sầu.” Cùng là làng nghề quạt gia truyền như Kẻ Vác, Chàng Sơn (huyện Thạch Thất, Hà Nội) sớm nắm bắt xu hướng, sáng tạo quạt tranh khổ lớn và thay đổi quạt giấy cỡ nhỏ theo thị hiếu tiêu dùng. Quạt tranh Chàng Sơn giữ vài kỷ lục quốc gia về kích cỡ và được xuất khẩu qua nhiều nước. Quạt giấy Chàng Sơn đẹp và bắt mắt với hình vẽ phong cảnh, thư pháp, họa tiết hiện đại, logo nghệ thuật. Các công đoạn làm quạt được tách biệt để tăng kỹ năng và năng suất. Làng còn tổ chức các buổi học làm quạt và chuyến du lịch thăm làng cổ. Phơi quạt ở Chàng Sơn I Nhu Quynh Nguyen, “Làng quạt Chàng Sơn”, YouTube Quạt Chàng Sơn khéo léo kết hợp nghề truyền thống, văn hóa và du lịch, khiến người ta lưu luyến với quạt, như câu ca dao duyên dáng: “Quạt này ngoài giấy trong xương, Đã cầm lấy quạt thì thương lấy người.” Học giả Lê Quý Đôn điểm danh quạt sơn từ thế kỷ 18. Quạt sơn bằng gỗ sơn son thếp vàng, dùng để thờ hay trang trí. Làng Sơn Đồng (huyện Hoài Đức, Hà Nội) chuyên làm tượng và đồ thờ từ thế kỷ 10, trong đó có quạt sơn. Quạt Sơn Đồng chạm khắc sắc sảo, thếp vàng điêu luyện, là vật trang trí phong thủy được khách hàng ưa chuộng. Quạt thờ Sơn Đồng chạm mai điểu @ dotholangsondong.com “Cái quạt mười tám cái nan, Anh phất vào đấy muôn vàn nhớ nhung.” (Nguyễn Bính, “Cái quạt”) Quạt Việt đã làm tôi ngạc nhiên và nhớ nhung thật sự. Từ bình dị như quạt mo, quạt nan đến tinh tế như quạt giấy, quạt tranh, quạt sơn, quạt Việt luôn thân thiện và tình cảm. Hay đọc thơ và ca dao nhiều quá tôi trở nên “thơ thẩn” luôn rồi? Các bạn nghĩ sao? mlefood Home Tiếng Việt Việt Nam V: Văn hóa
English Deliciously Cool Sugarcane Juice June 7, 2024June 7, 2024 Sip the summer away with nature’s sweetest treat: sugarcane juice. Read More
English The Essence of Kaiseki October 18, 2024 Reveal the essence of kaiseki – the muse of Japanese cuisine. Read More
English Happy Crackers: Banh Phong and others May 17, 2024July 12, 2024 Vietnam’s crackers: a timeless tradition, ever-evolving and thriving. Read More