Thư Tết gởi Người Xa Quê mlefood, February 9, 2024March 22, 2024 Thư viết cho những người không thể về quê ăn Tết… Tết năm nay bạn không về quê ăn Tết. Nên tôi ngồi viết thư này cho bạn giữa chiều cuối năm, lúc mai vàng đã lác đác nở trên những cành khẳng khiu của gốc mai già và bếp củi nấu bánh chưng bánh tét chỉ còn ít than hồng sót lại. Giờ này bạn đang làm gì ở nơi xa? Có phải cũng đang nhớ về một nơi gọi là “nhà”, một nơi gọi là “quê”? Đó là nơi có cha mẹ, anh chị em, bà con họ hàng và bạn bè của bạn. Bạn đã trải qua những cái Tết đầu trong đời ở đó, xúng xính quần áo mới và mừng rỡ ôm bao lì xì; nơi bạn cùng cả nhà náo nức chuẩn bị đồ cho Tết, cùng bạn bè hẹn hò đi chơi Tết. Quê nhà, có khi cũng là “nhà quê”, nơi đôi khi bạn cảm thấy quá bình thường so với những nơi chốn rộng lớn hiện đại hơn, nhưng lại có một sợi dây vô hình nối liền với trái tim của bạn, làm đôi khi bạn cảm thấy nhớ nó da diết, nhất là mỗi dịp Tết về khiến bạn bằng mọi giá phải “về quê ăn Tết”. Năm nay không về được, bạn sẽ nhớ nhất cảnh nào? Có phải bạn nhớ lúc cúng cơm ông bà buổi trưa ngày cuối năm không? Khi các món ăn đã được sắp xếp cẩn thận trên bàn thờ, hoa tươi thắm trong bình, lư đồng sáng bóng cùng mùi nhang trầm nhè nhẹ tỏa ra từ ba cây nhang người lớn trong nhà vừa cung kính cắm vào lư hương. Bạn đứng trong một chỗ nào đó của gian phòng, cảm nhận không khí đầm ấm và thiêng liêng ở nơi bạn từng lớn lên, nhìn người thân qua lại nói năng nhẹ nhàng thận trọng. Bạn bỗng có một cảm giác kỳ diệu dường như ông bà tổ tiên xưa cũng đang về thăm con cháu. Chiều Tất Niên I TH Thừa Thiên- Huế, “Tết Huế Xưa và Nay”, YouTube Rồi có lẽ bạn sẽ nhớ phút giao thừa, giây phút tiếp nối giữa năm cũ và năm mới. Trong tiếng pháo tưng bừng, bạn tự nói với mình: “Năm Mới đến rồi, cầu chúc mọi điều như ý!”. Bạn sẽ làm gì sau phút giao thừa ấy, chúc tết cha mẹ và bạn bè, khai bút đầu năm hay đi chùa hái lộc? Hay quây quần cùng gia đình và hàng xóm chơi ván bài vui vẻ đầu năm? Có khi nào bạn tự hỏi, sao người Việt mình lại nói về quê “ăn Tết” mà không phải “nghỉ Tết” hay “chơi Tết”? Tôi nghĩ một phần do thói quen, nhưng quan trọng hơn, tôi cảm thấy đồ ăn Tết mà không ăn ở chính quê nhà thì hương vị lạt lẽo đi nhiều. Cũng bánh chưng, bánh tét, dưa hành, dưa kiệu, mứt bánh đầy đủ, nhưng thiếu cái hơi nhà mình, thiếu bàn tay ân cần chăm chút. Nên “nghỉ Tết” hay “chơi Tết” có thể ở chỗ khác, nhưng “ăn Tết” thì phải về quê thôi. Về quê ăn Tết, không chỉ để ăn đồ mẹ tự tay làm hay đặc sản quê nhà, mà còn để được ăn trong mắt nhìn thương yêu của mẹ, của cha, để giúp mẹ giúp cha việc này việc kia cho Tết. Bạn đã từng ước ao “Giá mà Tết này ở nhà, mình sẽ làm cái này cho mẹ, làm cái kia cho cha” chưa? Tôi thì đã từng, và cứ lần lữa chưa thực hiện lời ước của mình, cho đến ngày tôi không còn cơ hội để làm điều đó nữa. Mai Tết quê nhà I Đặc sản miền sông nước, “Tía má chờ con về ăn Tết”, YouTube Giờ mạng Internet phủ sóng khắp thành thị thôn quê, nên dù xa quê, bạn vẫn có thể thấy mặt, nói chuyện với người thân, nghe chuyện quê nhà ăn Tết, cũng là một cách ăn Tết từ xa vậy. Hạnh phúc dù không trọn vẹn, nhưng đủ ấm lòng, bạn nhỉ. Tôi đã thấy nhiều người xa quê cặm cụi làm một món thịt đông, một cây giò thủ, kho một nồi măng, nấu một nồi thịt kho tàu, chỉ để thỏa lòng nhớ Tết quê. Nếu bạn có con, bạn có kêu mấy đứa nhỏ vô cùng nấu với bạn không, như ngày xưa bạn đã từng giúp cha giúp mẹ? Đừng chỉ dắt chúng đi siêu thị mua thật nhiều những thứ đồ Tết tuy sang trọng mà chẳng có chút gì hương vị quê nhà. Bạn vẫn còn may mắn khi có một ngôi “nhà” ở “quê” để về. Rồi một lúc nào đó, dù còn “quê” nhưng bạn sẽ không còn “nhà” để về, bởi không còn cha mẹ người thân trông ngóng. Đừng buồn, bởi đó là quy luật của muôn đời. Bạn vẫn còn ngôi nhà của chính bạn và gia đình bạn. Bạn có thể biến ngôi nhà ấy thành “quê nhà” cho con cháu bạn, để sợi dây vô hình kia tiếp tục nối dài và chúng sẽ thông qua “quê nhà” mới đó mà cảm thấy mối liên hệ với quê nhà cũ. Bạn và tôi từng lo không khí Tết đang mất dần đi, lo một ngày Tết không còn “vui như Tết” mà chỉ là kỳ nghỉ thông thường. Bạn ơi, chừng nào hình ảnh Tết xưa vẫn còn trong tâm tưởng chúng ta, chừng nào bạn và tôi vẫn kiên trì truyền lại cho thế hệ sau những món ăn truyền thống, một bàn thờ ông bà trang trọng bày mâm cơm cúng tổ tiên mỗi dịp Tết về, và kể về kỷ niệm Tết xưa, tôi tin Tết sẽ luôn là Tết! Dù Tết nay có khác Tết xưa, nhưng trong lòng chúng ta luôn còn cái gốc quê nhà và hương vị thật sự của Tết. Mong bạn có một cái Tết xa quê nhưng vẫn thật gần trong tâm tưởng! mlefood Home Tiếng Việt Việt Nam V: Tết
English Uncover A Mysterious Ritual Cake January 19, 2024 Have you ever heard of oản – the Vietnamese ancient ritual cake? Read More
English Eating Fugu: Flirting with Death May 3, 2024 Eating fugu – an unforgettable night of daring flavors and shared mirth. Read More
Home Cơm: Thành ngữ và Tục ngữ January 5, 2024June 27, 2024 Thành ngữ và tục ngữ “cơm” diễn tả cuộc sống Việt ra sao? Read More