Từ Cơm Nắm đến Trống Cơm mlefood, April 4, 2025 Table of Contents Toggle Hồn Quê: Cơm Nắm Mo Cau Muối VừngTình Quê: Trống Cơm Bạn có tin cơm nắm không chỉ ngon mà còn làm nên nhạc cụ? Hồn Quê: Cơm Nắm Mo Cau Muối Vừng Cơm nắm chắc chắn là lão làng trong ẩm thực Việt, cổ xưa đến mức không ai nhớ chính xác nó ra đời từ bao giờ. Xưa, cơm nắm là bạn thân của người Việt mỗi khi đi đường, hoặc là món quà rong gần gũi, rẻ tiền mà ngon. Cơm nóng hổi xới ra khăn vải, rồi được nhồi, đập, lăn qua lăn lại như tập thể dục, cuối cùng thành khối dẻo quánh, tròn tròn hay thon dài giống đòn bánh tét. Hạt cơm ôm nhau chặt chẽ, vừa chắc nịch vừa dịu dàng, ấm áp, thơm lừng mùi cơm mới hòa với chút hương bay của mo cau và lá chuối, ngon tới nỗi muốn cắn ngay một miếng. Làm cơm nắm I Ẩm thực mẹ làm, “Mother’s Day: rice with sesame salt”, YouTube Mo cau chính là người tình chung thủy của cơm nắm. Tàu cau già rụng xuống, phần gốc cong cong màu nâu sẫm được chọn làm mo cau, ngâm nước cho mềm, lau sạch rồi ôm ấp cơm nắm trong lòng. Mo cau cứng cáp hơn lá chuối, giữ cho cơm nắm đứng dáng, không bị bẹp, lại giúp cơm mềm mại, không khô cứng. Thật là một cặp đôi hoàn hảo. Nhà văn Băng Sơn từng mê mẩn cơm nắm mo cau mẹ làm: “Gạo mới thơm ngọt mùi cốm, hòa vào mùi thơm muối vừng, vừa ngọt đậm vừa dẻo mát khi đưa miếng cơm lên đầu lưỡi. Hình ảnh mẹ, hình ảnh xóm làng hiện lên trong khi tôi nhai thong thả miếng ngọc thực ấy…” (Thú ăn chơi người Hà Nội, NXB Văn Hóa Thông Tin 2005, tr. 57) Ông nhai chậm rãi, cảm nhận từng miếng “ngọc thực” mà nhớ mẹ, nhớ quê. Cơm nắm mo cau I Vũ Hoài Bảo, “Vietnamese Cuisine Story – Episode 1”, YouTube Cơm nắm còn có tri kỷ là muối vừng, nên người Bắc gọi luôn cơm nắm muối vừng, còn người Trung với Nam thì cơm vắt muối mè. Muối vừng làm từ vừng rang vàng, thêm lạc giã nhỏ, trộn muối vừa miệng. Dân Trung, Nam thích ngọt nên cho thêm đường. Mà tội cho lạc (đậu phộng) ghê, góp công góp sức bao nhiêu vào muối vừng, muối mè vẫn không được làm nhân vật chính. Giã muối vừng I VTV4, “Cơm nắm muối vừng”, YouTube Tại Hà Nội giữa thế kỷ 20, cơm nắm là món quà rong được nâng niu. Trong Hà Nội 36 phố phường, văn sĩ Thạch Lam tả cô hàng cơm nắm năm 1943 “tóc vấn gọn, áo nâu mới, quần sồi thâm”, bán món quà “sạch sẽ, tinh khiết” đúng chất kinh kỳ. Cô cắt cơm từng khoanh, gọt lớp ngoài cẩn thận, rồi thái miếng vuông cạnh, dài dài bày lên đĩa. Cơm nắm của cô ăn với chả quế, giò lụa, ngon đến mức muốn cắn lưỡi. (NXB Văn Hóa Thông Tin 2000, tr. 124) Văn sĩ Vũ Bằng gợi ý hai món khác người ăn kèm cơm nắm: nước mắm Ô Long và mọc. Ông bảo: “Chấm (cơm nắm) vào trong chén nước mắm vàng sẫm một màu quỳ, người ăn có cảm giác “ăn hương ăn hoa” vào trong bụng”. Mọc có vẻ giống xíu mại miền Nam: “tựa như giò, trong có bì, ăn sậm sựt và điểm một chút nước rất thanh, ngọt mà thơm thoang thoảng” (Miếng ngon Hà Nội, NXB Văn Học 1994, tr. 175) Cơm nắm muối vừng I Ẩm thực mẹ làm, “Mother’s Day: rice with sesame salt”, YouTube Thế kỷ 21, đồ ăn tràn lan khắp nơi, chẳng còn ai mang cơm nắm đi đường. Hàng cơm nắm cũng lặn mất tăm. Dân phố thị lẫn đồng quê dần quên béng món này. May sao, Hà Nội vẫn còn hàng cơm nắm rong từ xã Lạc Đạo (Hưng Yên). Người khởi xướng là bà Nguyễn Thị Đảo, người bán cơm nắm muối vừng ở Hà Nội từ thập kỷ 1970. Giờ cả làng Lạc Đạo tất bật làm cơm nắm, bán khắp Hà Nội và các tỉnh lân cận, sống sung túc nhờ đôi tay khéo léo. Món ăn truyền thống biết thay đổi hợp lý thì vẫn phát triển tốt giữa thời hiện đại. Tình Quê: Trống Cơm Bạn đã bao giờ nghe đến trống cơm của Việt Nam chưa? Nó không phải để báo giờ cơm đâu. Cái trống này dáng thon thả như người mẫu, tang gỗ mộc mạc, hai mặt da trâu căng phồng. Người chơi đeo nó trước bụng, tay vỗ nhịp nhàng vào hai mặt trống. Vậy sao gọi là trống cơm? Là do… một nắm cơm. Nghệ nhân Phạm Chí Khang ở làng trống Đọi Tam (Hà Nam) kể lại, ngày xưa người ta dán nắm cơm lên một mặt trống. Nắm cơm làm tiếng trống trầm đục hẳn đi, gọi là mặt thổ, còn mặt kia thì vang thanh thoát, nên là mặt kim. Giờ không ai dán cơm nữa, thay bằng miếng cao su hay nhựa tròn dán lên giữa trống cho tiện, vừa bền, vừa đỡ… tốn cơm. Trống cơm I Cuộc sống 24h, “Bật mí kinh nghiệm làm trống cơm”, YouTube Làng Triều Khúc, xã Tân Triều, Hà Nội còn lưu giữ điệu múa “con đĩ đánh bồng” trong lễ tế đền Phùng Hưng. Chuyện kể rằng năm 791, Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng họp quân ở đây khởi nghĩa chống nhà Đường. Mỗi lần thắng trận, vắng các chị nên các anh lính đa tài liền diện váy áo sặc sỡ, đeo trống cơm, múa hát tưng bừng mừng chiến thắng. Nay các chàng trai Triều Khúc tiếp nối người xưa trong bộ đồ trắng tinh, khăn mỏ quạ đỏ rực, váy nhiều màu, tay múa rất dẻo. Điệu múa này còn hiện diện trong lễ hội Chử Đồng Tử ở làng Đa Hòa, tỉnh Hưng Yên nữa. Múa bồng lễ Đền làng Triều Khúc I Thanh Hồng @ thanhtri.hanoi.gov.vn Dân gian Việt truyền tai nhau đã lâu sự tích cảm động về trống cơm. Xưa có chàng thư sinh nghèo, thi mãi không đậu, hết tiền đành đi ăn xin. Một hôm, ngang qua nhà nọ, chàng được người chủ tốt bụng cho một nắm cơm. Ngày nào cũng vậy, đều đặn như cơm hộp ngày nay. Một năm sau, chàng quyết chí ra đi lập nghiệp, ghé nhà cảm ơn thì gặp cô con gái xinh đẹp của chủ nhà. Nàng tặng chàng lộ phí, chúc chàng thành danh. Ba năm sau, chàng thành nghệ sĩ dẫn đầu phường nhạc, vinh quy bái tổ, ngờ đâu đúng lúc chứng kiến đám tang cô gái năm nào. Đau lòng quá, chàng làm trống cơm để tưởng nhớ nàng: một mặt dán nắm cơm gợi nhớ món quà ngày cũ, dây trống trắng tinh như để tang, tiếng trống bập bùng là tiếng hát tiễn nàng đi. Câu chuyện nhắc ta rằng một nắm cơm thôi có thể thay đổi một đời người và lưu lại tấm chân tình sâu đậm! Kết buồn của Sự tích Trống Cơm I Khoảng trời yêu thương, “Sự tích trống cơm”, YouTube Vùng quan họ Bắc Ninh có bài dân ca Trống Cơm độc đáo, bắt đầu bằng “Tình bằng có cái trống cơm, khen ai khéo vỗ ố mấy bông mà nên bông…” Tưởng là chuyện trống cơm thôi, bỗng có “một đàn con nít… lội sông… đi tìm” và “em nhớ thương ai… đôi con mắt… lim dim.” Nhớ ai tới nỗi mơ màng lim dim, còn phải nhờ các em bé lội sông đi tìm vậy ta? Thì đây “một đàn con nhện… giăng tơ ố mấy tơ hồng… em nhớ thương ai.” Rõ rồi ha, tình cảm vấn vương “tơ hồng”, lại còn chằng chịt như “tơ nhện” thì tình sâu cỡ nào, sao khỏi “đi tìm”. Câu kết “duyên nợ khách tang bồng” thực sự chơi chữ đỉnh cao. “Tang bồng” là chí lớn của đấng nam nhi, ra đi lập nghiệp, mơ ngày vinh quang trở về; đó là “duyên nợ” của chàng. Còn nàng thầm lặng đợi “khách tang bồng”, chấp nhận “duyên nợ” của mình. Bài hát bỏ lửng thế thôi, để người nghe tự mơ mộng cái kết đẹp hay buồn theo kiểu mình thích. Có bản “Trống Cơm” dùng “con sít” (chim nhỏ) hay “con nhít” (từ cổ của con nít) thay “con nít”, cũng hay. Tôi vẫn thích “con nít” hơn, nghe dễ hiểu. Bài “Trống Cơm” giai điệu rộn ràng, các bé mặc áo dài quan họ, đeo trống vừa hát vừa múa, dễ thương quá chừng! Các bé múa bài “Trống cơm” I Cuộc sống 24h, “Bật mí kinh nghiệm làm trống cơm”, YouTube Dù trống cơm giờ không còn tiếng tăm như xưa, bài dân ca và truyền thuyết về nó vẫn sống mãi trong văn hóa Việt. Từ cơm nắm thành nhạc cụ, thành chuyện tình, thành bài hát – cơm nắm và trống cơm đúng là các “nhân vật văn hóa” thứ thiệt. Vậy nên, lần tới nếu ai đó dúi cho bạn một nắm cơm, đừng vội ăn ngay; biết đâu đây là khởi đầu một câu chuyện tình lãng mạn hay một phát minh để đời kiểu trống cơm thì sao? Trống cơm đâu chỉ là cái trống để vỗ cho vui, nó còn là cả một kho báu của ký ức. Nếu có dịp, bạn thử lắng tai nghe tiếng trống bập bùng, không chừng còn ngửi thấy mùi cơm quê thơm lừng, cảm được cái tình người ấm áp trong từng nhịp trống. Rồi biết đâu lại thấy đói và đâm thèm… cơm nắm? mlefood – Minh Lê Home Tiếng Việt Việt Nam V: Cơm- Cháo
English Southern Beef Noodle: A Name Puzzle October 27, 2023October 27, 2023 Is Southern Beef Noodle a true innovation, or just a clever rebranding of an old recipe? Read More
English Flavorful Tonkin Jasmine – Sesbania Flowers January 17, 2025February 17, 2025 Let’s enjoy Tonkin jasmine and sesbania blooms. Read More
English Vietnam’s Peanut Taffy: A Timeless Treat July 12, 2024 Unwrap peanut taffy, the sweetness of Vietnam. Read More